Trung tâm đầu tiên nghiên cứu ý thức động vật và AI
Trung tâm Jeremy Coller về Cảm giác Động vật, đặt tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), sẽ chính thức hoạt động từ ngày 30.9 với mục tiêu khám phá cách các loài động vật, từ chó, mèo cho đến cua, mực nang... cảm nhận thế giới.
Với khoản đầu tư 4 triệu bảng Anh, trung tâm sẽ quy tụ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực liên ngành như khoa học thần kinh, triết học, luật, thú y, tâm lý học, trí tuệ nhân tạo và cả kinh tế, nhằm nghiên cứu toàn diện về hành vi và ý thức của động vật.
Một phần quan trọng trong sứ mệnh của trung tâm là nghiên cứu cách AI có thể “dịch” tín hiệu hành vi thành ngôn ngữ con người, giúp chủ nuôi nhận diện nhu cầu cảm xúc của thú cưng.
Tuy nhiên, công nghệ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự thật. Giáo sư Jonathan Birch, Giám đốc trung tâm, cho rằng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể khiến chủ nuôi hiểu sai thú cưng của mình.
“AI thường tạo ra phản hồi dễ chịu với người dùng thay vì phản ánh chính xác thực tế. Nếu một ứng dụng nói rằng chó của bạn đang vui khi nó thực sự lo lắng hay đau đớn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với phúc lợi động vật,” ông cảnh báo.
Một trong những vấn đề trung tâm đặt ra là sự thiếu vắng khung pháp lý về AI ứng dụng cho động vật, từ thiết bị đeo cổ thông minh đến các robot hỗ trợ chăm sóc vật nuôi.
Ngoài ra, việc tích hợp AI vào nông nghiệp tự động hóa cũng đặt ra thách thức đạo đức lớn. Khi robot thay con người chăm sóc gia súc, liệu chúng có nhận ra khi con vật bị đau? AI có thể nhận biết cảm xúc của động vật theo cách nào? Đây đều là những câu hỏi hiện chưa có lời giải.
Giáo sư Birch nhấn mạnh, cũng như tranh luận về xe tự lái cần tránh người, xã hội cũng nên bàn đến khả năng xe AI nhận diện và né tránh động vật như chó, mèo - những sinh thể có tri giác.
Trung tâm sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng hướng dẫn và quy tắc ứng xử đạo đức, tương tự như các khung đạo đức trong AI y tế hay giáo dục đang được phát triển.
Khi công nghệ trở thành cầu nối liên loài
Đằng sau các nghiên cứu về AI và động vật là một mục tiêu tham vọng hơn: hiểu rõ hơn về chính ý thức con người. Giáo sư Kristin Andrews, một trong các nhà điều hành LSE, tin rằng việc nghiên cứu cách AI phản hồi với động vật có thể giúp trả lời câu hỏi cốt lõi: điều gì tạo nên trạng thái có ý thức?
“Giống như gen học từng đạt bước tiến lớn nhờ nghiên cứu sinh vật đơn giản, nghiên cứu trí giác động vật có thể mở lối cho y học thần kinh và công nghệ phục hồi ý thức,” bà nói.
Tiến sĩ Kristof Dhont, nhà tâm lý học hành vi, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc giải mã nghịch lý đạo đức: con người yêu quý động vật nhưng vẫn duy trì các hệ thống khai thác chúng vì lợi ích kinh tế.
Trong khi đó, ông Jeremy Coller, người đứng sau quỹ từ thiện đã gắn bó lâu dài với trung tâm, cho biết mục tiêu của ông là thay đổi cách con người nhìn nhận và đối xử với các loài vật khác.
"Chỉ khi hiểu rõ hơn về cách các loài động vật cảm nhận và giao tiếp, chúng ta mới có thể nhận ra những thiếu sót trong cách đối xử với chúng. Giống như Phiến đá Rosetta từng giải mã chữ tượng hình, tôi tin rằng sức mạnh của AI sẽ giúp khám phá cách các loài động vật trải nghiệm và phản ứng với tương tác từ chúng ta", ông nói.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/nhip-song-so/cong-nghe-ai-mo-ra-ky-nguyen-giao-tiep-voi-dong-vat-152016.html
Bình luận (0)