Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không được yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia

Trong quá trình triển khai dịch vụ công, không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu đã có, Thứ trường Bộ KH&CN Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ14/07/2025

Không được yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long phát biểu tại hội nghị - Ảnh: BỘ KH&CN

Sáng 14-7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2025.

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay trong quý 1-2025, bộ đã hoàn thiện bộ máy, giảm số đơn vị trực thuộc bộ từ 42 xuống còn 25 (giảm 40,5%); ban hành 49 quyết định nội bộ về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành phần.

Quá trình hợp nhất không chỉ là sáp nhập tổ chức, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện: từ cơ chế điều hành, chức năng nhiệm vụ, đến văn hóa tổ chức và mô hình quản trị. Bộ Khoa học và Công nghệ mới được định vị là cơ quan chủ lực dẫn dắt 4 trụ cột then chốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá bộ cần nghiêm túc triển khai, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Ông nhấn mạnh: "Cần rà soát và kiên quyết không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, hộ tịch, đất đai, bảo hiểm, tránh phát sinh chi phí và thời gian không cần thiết".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu, trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, cần rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ trên cơ sở dữ liệu sẵn có, hoàn thành trước ngày 20-7-2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) thuộc phạm vi quản lý thực hiện tại 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình triển khai tập trung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 1-1-2026.

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành khoa học và công nghệ đã có nhiều thành tựu nổi bật.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ra mắt Sàn Giao dịch công nghệ Việt Nam. Hiện Việt Nam có 940 doanh nghiệp khoa học công nghệ, khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái mở rộng với 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hơn 75.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động ổn định.

Hiện có 42 chương trình khoa học công nghệ quốc gia đang được triển khai, kết nối nghiên cứu - sản xuất, ứng dụng thực tiễn. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, đã có 630 triệu giao dịch trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt 73% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình gần 40%, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.

Lĩnh vực bưu chính - viễn thông tăng trưởng mạnh: doanh thu tăng 12,8%, tốc độ mạng dẫn đầu khu vực, IPv6 đạt 65% - vào top 10 thế giới. Kinh tế số của Việt Nam chiếm 18,72% GDP, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế số lõi đạt 8,63%.

Trở lại chủ đề
HÒA BÌNH

Nguồn: https://tuoitre.vn/khong-duoc-yeu-cau-nguoi-dan-cung-cap-giay-to-da-co-tren-co-so-du-lieu-quoc-gia-20250714133305273.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm