Biểu tượng lịch sử
Ngày 9 tháng 9 năm 1964, tại chân núi Dong, những nhát cuốc đầu tiên được Trung đoàn 98 công binh hạ xuống, đánh dấu sự khai mở của một trong những tuyến đường chiến lược quan trọng bậc nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Tại nơi đó, 1 cây gỗ lớn được chặt lấy, dựng thành cột mốc đơn sơ mang tên “Km số 0” – điểm xuất phát của hành trình tiếp vận nối liền Bắc – Nam.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Tân Kỳ tự hào với Cột mốc số 0 - đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ Km số 0, đường Hồ Chí Minh vươn dài dọc Trường Sơn. Riêng tuyến Đông Trường Sơn dài 1.920 km, chia thành thành 5 hệ thống dọc và 21 trục ngang, nối liền các chiến trường từ Bắc vào Nam. Trên tuyến đường ấy, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn hàng quân sự và 58 triệu tấn xăng, dầu, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tân Kỳ – với vị trí Km số 0, chính là nơi bắt đầu của dòng máu ấy, là nơi xe đi, người đến, hàng hóa chuyển vào chiến trường, văn thư thông tin từ miền Nam được đưa ra miền Bắc. Câu chuyện về những chiếc xe vận tải hối hả trong đêm, về những người lính âm thầm làm nhiệm vụ dưới mưa bom, bão đạn… đến nay vẫn còn sống động trong ký ức những cựu chiến binh Trường Sơn.
Tại Cột mốc số 0 là vòng xuyến của trục đường Hồ Chí Minh nối với thị trấn Lạt, tạo thành tuyến đường huyết mạch của huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Đoàn Quang Trung - nguyên chiến sĩ Sư đoàn xe 559, nay là Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Tân Kỳ xúc động kể lại: “Tôi thật vinh dự khi được chiến đấu, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, không ngại khó, không sợ chết, chỉ mong sao hàng tới kịp chiến trường. Con đường này không chỉ chở hàng, mà chở theo cả hy vọng và niềm tin vào ngày chiến thắng. Cột mốc số 0 không chỉ là điểm xuất phát của tuyến đường mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Chọn huyện Tân Kỳ làm điểm khởi đầu không phải ngẫu nhiên. Mảnh đất này hội tụ đầy đủ những yếu tố chiến lược: Hệ thống đường 15A, 15B chạy qua; các cao điểm trọng yếu như lèn Rỏi, dãy Bồ Bồ, Bù Loi án ngữ khắp vùng; là nơi tập kết của hàng loạt sư đoàn chủ lực trước khi tiến vào Nam. Trong suốt những năm tháng kháng chiến ác liệt, Tân Kỳ đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù, với hơn 1.000 người dân hy sinh, gần 1.500 người mang thương tật suốt đời.
Trong nhà truyền thống của Di tích Lịch sử Cột mốc số 0 - đường Hồ Chí Minh trưng bày hàng trăm hiện vật chiến tranh. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhưng chính trong lửa đạn ấy, phẩm chất con người Tân Kỳ lại rực sáng. Hơn 20.000 lượt người được huy động tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Họ đào hầm, ngụy trang, bảo vệ từng đoàn xe, từng khẩu pháo. Họ bắn rơi máy bay, tháo bom nổ chậm, sửa chữa cầu, cống, giữ cho hơn 100 km tuyến vận tải luôn thông suốt giữa bom rơi, đạn nổ.
Từ ký ức lịch sử đến sức sống hiện đại
Cũng tại nơi đây, hàng chục nghìn đồng bào từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ sơ tán ra Bắc đã được nhân dân Tân Kỳ cưu mang, đùm bọc trong suốt những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh. “Bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” – những hình ảnh giản dị ấy đã trở thành biểu tượng bất diệt cho tinh thần hậu phương lớn hướng về tiền tuyến.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, năm 1989, tuyến đường Trường Sơn được tái thiết, trở thành đường Hồ Chí Minh – một trong những tuyến giao thông huyết mạch nối liền Bắc – Nam. Ngày 27/4/1990, Km số 0 được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia. Đến nay, nơi này đã trở thành điểm đến văn hóa – du lịch quan trọng của Nghệ An và cả nước.
Toàn cảnh khuôn viên Di tích Lịch sử Cột mốc số 0 - đường Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Chị Phạm Thu Hằng - cán bộ quản lý Di tích Lịch sử Cột mốc số O - đường Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong khuôn viên rộng 600 m2, cột mốc Km số 0 hiện nay được xây dựng khang trang, có nhà truyền thống trưng bày hàng trăm hiện vật chiến tranh, từ xe vận tải, vũ khí, đến tư liệu quý giá. Mới đây, còn tiếp nhận lá đại kỳ rộng 75m² từng bay trên kỳ đài Hiền Lương vào ngày 30/4/2023, như một minh chứng sống động của thời khắc lịch sử".
Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh trao đại kỳ 75m² từng bay trên kỳ đài Hiền Lương – một biểu tượng của hòa hợp dân tộc cho huyện Tân Kỳ. Ảnh: CSCC
Con đường Trường Sơn năm xưa – đường Hồ Chí Minh hôm nay không chỉ còn là một ký ức. Đó là nhịp cầu nối quá khứ hào hùng với hiện tại phát triển và tương lai hội nhập. Mỗi viên đá, mỗi tấc đất nơi Km số 0 là chứng tích sống động của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Trong không gian tĩnh lặng của nhà truyền thống, giữa những chiếc xe Zin, khẩu súng cối hay hòm tiếp tế đã ngả màu thời gian, vẫn lặng lẽ vang lên những câu chuyện bất tử. Câu chuyện về một con đường không chỉ nối liền 2 miền đất nước, mà còn kết nối hàng triệu trái tim Việt Nam trong một khát vọng độc lập – thống nhất.
Việc trưng bày này không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản chiến tranh cách mạng mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá trình đấu tranh gian khổ của cha ông vì độc lập dân tộc. Ảnh: Xuân Hoàng
“
Mỗi năm hàng chục nghìn lượt người đến đây – không chỉ để tham quan mà để tri ân. Những em học sinh, những đoàn cựu chiến binh, cả kiều bào nước ngoài… họ đều tìm thấy ở đây một phần linh hồn dân tộc.
Chị Phạm Thu Hằng - cán bộ quản lý Di tích Lịch sử Cột mốc số O - đường Hồ Chí Minh
Thêm ý chí cho hôm nay
Nhờ tuyến đường huyền thoại đi qua, hơn 38 km qua 6 xã của huyện Tân Kỳ trở thành động lực phát triển mới. Trong nhiều năm qua, hệ thống giao thông “xương cá” dọc theo đường Hồ Chí Minh đã giúp mở rộng sản xuất, thương mại, du lịch. Đặc biệt, tuyến N5 nối từ Đô Lương về xã Kỳ Tân đã giúp tăng cường kết nối vùng, mở rộng cơ hội đầu tư, giao thương.
Năm 2024, huyện Tân Kỳ đạt và vượt toàn bộ 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm trước. Đến nay, huyện có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 3 xã đạt chuẩn nâng cao. Hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại kết hợp trồng rừng, trồng mía nguyên liệu… đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Thị trấn Lạt (Tân kỳ) đang ngày càng phát triển. Ảnh: Xuân Hoàng
Không chỉ phát triển kinh tế, huyện còn chú trọng khai thác tiềm năng du lịch. Từ Cột mốc số 0, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm du lịch cộng đồng như làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh, hang Mó (Tiên Kỳ), thác Bồn (Tân Hợp), cây sanh nghìn tuổi (Giai Xuân)… Tân Kỳ đang từng bước định hình là trung tâm du lịch văn hóa – lịch sử – sinh thái của miền Tây xứ Nghệ.
Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của khát vọng thống nhất, là bản anh hùng ca bất diệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà hôm nay còn là điểm tựa cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của Tân Kỳ nói riêng và miền Tây Nghệ An nói chung./.
ADQuảng cáo
Nguồn: https://baonghean.vn/cot-moc-so-0-noi-bat-dau-con-duong-huyen-thoai-10295387.html
Bình luận (0)