Lãng phí dây chuyền hơn 20 tỷ đồng
Trung tuần tháng 4, chúng tôi có mặt ở nhà xưởng dây chuyền cấp phôi công nghệ cao của Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ ngói Cừa (xã Hoàn Long, huyện Tân Kỳ). Đây là làng nghề “vang bóng một thời”, là nơi sản xuất ngói lớn nhất miền Trung của hàng chục năm về trước. Làng nghề trước thuộc về xã Nghĩa Hoàn, nhưng Nghĩa Hoàn sau đó sáp nhập với xã Tân Long, nay đổi tên thành Hoàn Long.
“Tiếc lắm chú ạ! Chỉ vì nội bộ mất đoàn kết mà ra nông nỗi này, lãng phí suốt bao nhiêu năm”, ông Nguyễn Hữu Nga (60 tuổi) - Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ ngói Cừa nói. Ông Nga là người chúng tôi vô tình gặp khi bước chân vào khu làng nghề, nơi ông đang thất thần, nhìn về những móng lò ngói cũ từng một thời sầm uất.

Dẫn chúng tôi vào khu nhà xưởng rộng hàng nghìn m2, ông Nga nói rằng đây chính là dây chuyền cấp phôi công nghệ cao, được hợp tác xã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng từ năm 2012. Hoạt động được ít năm, đến 2017, khi các lò ngói thủ công buộc phải dừng hoạt động theo chủ trương, dự án nhà máy gạch tuynel công nghệ cao thì bị phản đối, nên dây chuyền này cũng đành phải bỏ không.
Phía ngoài khu nhà xưởng là bãi đất trống rộng thênh thang, từng nhộn nhịp người bán, kẻ mua, bây giờ chỉ dành cho việc thả trâu, bò. Ở bên trong, nhiều bộ phận máy móc cũng đã hoen rỉ sau nhiều năm không hoạt động. Những chiếc xe tải, máy múc… vẫn nằm im một chỗ suốt 8 năm qua, bụi bẩn bám đầy. Những năm trước, khu vực này vẫn còn bảo vệ. Nhưng hiện nay, do không còn chi phí để thuê người trông coi, nhà bảo vệ cũng bỏ hoang, nhiều bộ phận trong nhà xưởng cũng bị tháo rời, lấy trộm để bán sắt vụn…
“Vì tiếc nuối, nên thi thoảng tôi lại ra ghé thăm. Cứ mỗi lần ra lại phát hiện nhà xưởng mất đi một vài thứ. Cứ như thế này, không lâu nữa cái dây chuyền sản xuất ngói hàng chục tỷ này chắc không còn thứ gì”, ông Nga tặc lưỡi nói.

Cách không xa nhà xưởng này, trước đây là hàng trăm lò ngói thủ công cao sừng sững. Cách đây không lâu, sau nhiều năm phải dừng hoạt động, chính quyền địa phương đã phải trích kinh phí, thuê máy móc đến phá dỡ. Bây giờ, ở đây chỉ còn lại những nền móng cũ, dấu vết duy nhất để gợi nhớ về cái làng nghề đã từng huy hoàng suốt nhiều năm.
“Nhà xưởng để cấp phôi công nghệ cao chỉ là một dây chuyền để sản xuất ngói. Muốn làm được ra viên ngói, phải đầu tư thêm nhiều hạng mục, phải có nhà máy ngói tuynel. Nhưng vì không tìm được tiếng nói chung để tiếp tục đầu tư, nên dây chuyền này cũng trở thành vô dụng. Bây giờ chúng tôi chỉ muốn các bên đoàn kết, để bán được cái nhà xưởng này. Cho ai có tâm huyết đầu tư, khôi phục cái làng nghề”, ông Nguyễn Hữu Nga nói thêm.

Cần sớm có giải pháp
Không lâu sau ngày đất nước thống nhất, có một gia đình từ miền Bắc đến vùng đất Nghĩa Hoàn (cũ) để sinh sống, mang theo nghề gia truyền làm ngói. Năm 1976, lò ngói đầu tiên ở đây được dựng lên. Thấy gia đình này làm ngói có "của ăn của để”, nhiều người khác cũng bắt đầu học nghề. Làng ngói Cừa nức tiếng ra đời từ đó.
Năm 2006, sau hàng chục năm “mạnh ai nấy làm”, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ ngói Cừa ra đời, với 125 thành viên. Thời kỳ huy hoàng, ở đây có đến gần 200 lò ngói, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Có năm, ở đây sản xuất đến gần 100 triệu viên ngói, đủ để sử dụng cho hàng chục nghìn ngôi nhà cấp 4. Trong kê khai thuế, lợi nhuận của nghề làm ngói ở đây có năm lên đến 120 tỷ đồng. Nhiều hộ có lợi nhuận mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Những năm đó, ngói làng Cừa gần như độc quyền ở thị trường 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, thậm chí còn được xuất khẩu qua Lào. Làng Cừa cũng chính là làng sản xuất ngói lớn nhất miền Trung.

Ông Nguyễn Hữu Nga kể rằng, năm 2012, có 53 hộ trong tổng số 125 thành viên của hợp tác xã đã góp thêm vốn để xây dựng dây chuyền cấp phôi công nghệ cao, với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 20 tỷ đồng. “Đó là quyết định đúng đắn, nhằm hiện đại hóa công nghệ sản xuất ngói. Đặc biệt là sau đó, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ lò ngói thủ công”, ông Nga kể.
Đến năm 2017, chủ trương xóa bỏ lò ngói thủ công ở Nghĩa Hoàn được triển khai. Để làng nghề tiếp tục hoạt động, hợp tác xã đã xin phép đầu tư nhà máy sản xuất ngói tuynel công nghệ cao, với quy mô đầu tư hơn 75 tỷ đồng. “Tôi là người có 2 nhiệm kỳ làm phó giám đốc hợp tác xã nên tôi nhớ rất rõ. Tôi cũng chính là người trực tiếp đi xin cấp phép đầu tư nhà máy này”, ông Nga kể và cho hay, thời điểm đó hợp tác xã cũng đã tổ chức đại hội, thống nhất đưa ra nghị quyết, ngoài 53 hộ đã góp vốn để xây dựng dây chuyền cấp phôi từ năm 2012 này, các hộ thành viên còn lại phải góp thêm vốn 200 triệu đồng/thành viên để có tiền xây dựng nhà máy. Mặc dù nghị quyết đã được thông qua, nhưng sau đó không có thành viên nào góp thêm vốn.

Tuy nhiên, đến năm 2019, dự án xây dựng nhà máy ngói tuynel vẫn được khởi công xây dựng. Nhưng khi đang làm lễ khởi công thì hàng chục thành viên hợp tác xã kéo đến để phản đối. “Họ nói là đầu tư nhiều tiền quá, không muốn làm nữa, không đồng ý xây dựng nhà máy. Vì vậy mà dự án không được triển khai. Từ một hợp tác xã đoàn kết, vững mạnh, sau đó chia năm sẻ bảy, nhiều người bắt đầu đi kiện”, ông Nga kể.
Sau hàng chục cuộc đối thoại nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung, năm 2020, chính quyền địa phương cùng với hợp tác xã quyết định định giá dây chuyền cấp phôi công nghệ cao để bán, sau đó chia tiền cho toàn bộ thành viên và giải tán hợp tác xã.
“Tôi vẫn còn nhờ thời điểm đó, toàn bộ thành viên hợp tác xã đều thống nhất hướng giải quyết như thế. Dây chuyền này cũng được họ tính toán và định giá còn 16 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư ở ngoài cũng đã đến và đặt vấn đề mua lại. Nhưng đến khi làm thủ tục, thì một số lãnh đạo hợp tác xã lại đổi ý, không muốn bán nữa nên không đồng ý ký vào. Họ không muốn bán nhưng cũng chẳng muốn mua lại vốn góp của thành viên khác. Vì thế mà vụ việc dùng dằng cho đến bây giờ, khiến dây chuyền hàng chục tỷ lãng phí suốt nhiều năm qua”, ông Nguyễn Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Hoàn Long kể và cho hay vì đấu đá nội bộ, dự án sản xuất ngói công nghệ cao vẫn chưa được triển khai. Chính vì thế, lò thủ công không còn, lò công nghệ cao chưa có, hàng nghìn lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhiều chủ lò đã trót đầu tư hàng tỷ đồng, nay vỡ nợ.

Chủ tịch UBND xã Hoàn Long cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay là các thành viên hợp tác xã, đặc biệt các lãnh đạo phải tìm được tiếng nói chung để thống nhất bán dây chuyền cấp phôi công nghệ cao. "Bây giờ cứ để như vậy cũng lãng phí tiền của thành viên hợp tác xã. Chúng tôi muốn hợp tác xã bán cho các nhà đầu tư, để quy hoạch khu vực này thành cụm công nghiệp, tận dụng được tài nguyên sẵn có nhằm khôi phục lại thương hiệu ngói Cừa nức tiếng một thời", ông Sâm nói thêm.
Nguồn: https://baonghean.vn/be-tac-o-lang-ngoi-vang-bong-mot-thoi-10295485.html
Bình luận (0)