Lâu nay, các địa phương phát triển du lịch sinh thái, mang đến những trải nghiệm đậm chất miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, tư duy chỉ dựa vào sông nước, miệt vườn để phát triển du lịch rõ ràng không còn phù hợp trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Các địa phương đã dần biết tận dụng, phát huy các giá trị truyền thống, kết hợp nhiều loại hình du lịch khác, đa dạng hóa sản phẩm, loại hình để du lịch “đất chín rồng” thật sự cất cánh.
Năm 2024, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bội thu với hơn 52 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch toàn vùng ước đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thành phố Cần Thơ ước tính đón khoảng 6,3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỷ đồng. Ngoài các không gian mang đậm tính “sông nước”, các di tích lịch sử như Đền thờ Vua Hùng, nhà cổ Bình Thủy hoặc các không gian giải trí như phố đi bộ Ninh Kiều, chợ đêm ẩm thực cũng thu hút lượng lớn du khách.
Tỉnh Đồng Tháp tận dụng tốt các sản phẩm du lịch từ làng nghề như: làng hoa Sa Đéc, các làng nghề thủ công, ẩm thực. Tại tỉnh An Giang, trong 9 triệu lượt khách năm vừa qua, có sự đóng góp của các điểm đến nổi tiếng như: Khu du lịch núi Cấm, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, làng Chăm Châu Phong… Nhiều chuyên gia cho rằng, giờ đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ là du lịch sinh thái “sông nước, miệt vườn”, mà sự đa dạng sản phẩm du lịch đã được thể hiện. Các tài nguyên biển, đảo, di tích lịch sử, văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng dần được phát huy.
Mặc dù không còn phụ thuộc hoàn toàn vào “sông nước, miệt vườn”, tuy nhiên, việc đa dạng các loại hình du lịch ở miền Tây Nam Bộ vẫn còn gặp nhiều điểm nghẽn. Đã có đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát hơn là kế hoạch phát triển lâu dài. Các điểm đến chưa liên kết chặt chẽ với các công ty du lịch, lữ hành để có các chương trình tour, tuyến đa dạng, còn xảy ra tình trạng “đi một tỉnh, biết cả vùng”. Cách làm du lịch còn mang tính tự phát, chưa biết cách quảng bá các điểm đến hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.
Các làng nghề truyền thống ít được quan tâm đầu tư để gìn giữ, phát triển, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả. Còn ít dự án về du lịch được đầu tư, nhiều dự án chậm triển khai. Trừ đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Đồng bằng sông Cửu Long chưa có một khu vui chơi, giải trí tầm cỡ…
Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng đa dạng, tạo sức hút, thời gian tới, các địa phương cần chú trọng khai thác có chọn lọc, đa dạng hóa loại hình du lịch, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn riêng cho từng nơi. Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả công tác liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là liên ngành và liên vùng.
Cần có cơ chế pháp lý rõ ràng và có mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển du lịch hiệu quả. Không chỉ dựa vào mô hình liên kết giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Cần có sự liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch...
Nguồn: https://nhandan.vn/da-dang-loai-hinh-du-lich-tai-dong-bang-song-cuu-long-post869437.html
Bình luận (0)