Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác ký kết với các đối tác, Trung tâm DSAC đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo VMBD và TTNT cho 80 giảng viên, sinh viên và kỹ sư trên địa bàn thành phố. Đây là một phần trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Sáng kiến này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 5.000 kỹ sư vi mạch và 2.000 kỹ sư trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố Đà Nẵng.
Với hơn 20 năm định hướng phát triển công nghệ cao, Đà Nẵng đang tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thành phố triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, xây dựng chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị, hành chính công.
Đại biểu tham sự lễ khai giảng các lớp đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Trong năm 2024, Đà Nẵng đã tổ chức ba lớp đào tạo bồi dưỡng về vi mạch bán dẫn cho 57 giảng viên và sinh viên xuất sắc, phối hợp với các đối tác chiến lược như Synopsys, Đại học Bang Arizona (Mỹ) và Viện Công nghệ Thông tin. Thành phố cũng đã mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch và dự kiến tuyển sinh từ tháng 8-2024 với 320 chỉ tiêu. Ngoài ra, ba lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp sang thiết kế vi mạch cũng đã được tổ chức cho 41 sinh viên và 59 giảng viên.
Trước các cơ hội từ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng Nghị quyết 136 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, Đà Nẵng đang đẩy mạnh các ngành công nghệ cốt lõi, tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên tiếp cận với kiến thức tiên tiến, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Lớp đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thu hút sự tham gia của những giảng viên và sinh viên ưu tú
Bên cạnh đó, có tổng cộng 20 dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đã được xem xét, trong đó nhiều dự án đã được cấp quyết định và một số dự án được thông qua hỗ trợ tính từ ngày 27-2 đến ngày 25-3-2025. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, với tiềm năng đóng góp lớn vào sự phát triển công nghệ của thành phố.
Tại không gian Triển lãm công nghệ cao trưng bày các sản phẩm công nghệ tiên tiến như hệ thống thiết kế vi mạch, robot AI, máy bay không người lái, hệ thống trí tuệ nhân tạo trong xe, công nghệ VR và các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và cơ sở đào tạo hàng đầu.
Với các hoạt động trên, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẵn sàng đón đầu những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
NGUYỆT ÁNH
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=63121&_c=3
Bình luận (0)