Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đặc sắc Lễ hội Mường Xia

(Baothanhhoa.vn) - Khi núi rừng Mường Xia thức giấc trong sắc xuân chan hòa, đồng bào Thái xã Sơn Thủy (Quan Sơn) lại nô nức bước vào ngày hội lớn diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, đó là Lễ hội Mường Xia. Đây được xem là dịp để tri ân Tư Mã Hai Đào, người khai phá và gìn giữ vùng đất biên cương.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa06/04/2025

Đặc sắc Lễ hội Mường Xia

Tiết mục sân khấu hóa tại Lễ hội Mường Xia năm 2025.

Di sản văn hóa giàu bản sắc

Theo Dư địa chí huyện Quan Sơn, Tư Mã Hai Đào là người họ Hà, sinh ra tại Mường Đào, xã Điền Quang (Bá Thước). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Hai Đào sống trong gian khó, chăn trâu cho nhà quan lang nhưng nổi tiếng thông minh, ham học hỏi và tinh thông võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội chiêu mộ anh tài, ông được quan lang đưa về kinh dự thi. Tại võ đài, ông liên tiếp chiến thắng và lọt vào “mắt xanh” của công chúa. Vua tác hợp cho đôi trẻ và truyền thầy đồ vào dạy chữ cho phò mã.

Khi biên giới miền Tây xứ Thanh bị giặc ngoại xâm uy hiếp, Hai Đào xin vua cho cầm quân lên dẹp loạn. Với tài thao lược, ông đã đánh tan giặc, giải phóng vùng Tén Tằn - Mường Xia, được phong hàm Tư Mã. Sau chiến thắng, ông chọn Mường Xia làm thủ phủ vì có địa hình hiểm yếu, thuận lợi cho việc phòng thủ, sản xuất và phát triển giao thương. Ông sinh sống và mất tại đây, được Nhân dân tôn thờ như một vị thần bảo hộ vùng biên.

Không chỉ là dịp tri ân tiền nhân, Lễ hội Mường Xia còn hội tụ nhiều giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc Thái, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội

Lễ hội Mường Xia là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái huyện Quan Sơn, được người dân nơi đây trao truyền qua nhiều thế hệ. Dù đã có những thay đổi để phù hợp với thực tế cuộc sống hiện đại, nhưng lễ hội vẫn giữ được những giá trị cốt lõi về tín ngưỡng, văn hóa. Đây không chỉ là ngày hội tâm linh mà còn là dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết nối người dân địa phương với du khách.

Lễ hội không chỉ của riêng người Thái ở Mường Xia, mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường trên địa bàn huyện Quan Sơn và các vùng lân cận như Mường Đào (Bá Thước), Mường Bén, Mường Xôi (tỉnh Hủa Phăn, Lào). Với những nét độc đáo riêng có, năm 2022 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là bước ngoặt quan trọng, không chỉ là niềm tự hào của người dân Quan Sơn, mà còn mở ra cơ hội quảng bá du lịch đến bạn bè trong và ngoài nước.

Xác định Lễ hội Mường Xia không chỉ là sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn là biểu tượng của niềm tự hào, là “chất keo” gắn kết cộng đồng, xã Sơn Thủy đã lập hồ sơ di sản, tổ chức phục dựng các nghi thức truyền thống, huy động già làng, nghệ nhân hướng dẫn thế hệ trẻ. Đồng thời, phối hợp với trường học đưa nội dung về lễ hội, truyền thuyết Tư Mã Hai Đào vào các hoạt động ngoại khóa để học sinh hiểu và trân trọng di sản của quê hương.

Cùng với nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương cũng rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội. Chị Lò Thị Phượng, người dân bản Mường Xia bày tỏ: “Mỗi dịp lễ hội con cháu dù đi làm ăn xa cũng cố gắng trở về. Đây là dịp để tri ân tổ tiên, gặp gỡ bà con và nhắc nhở con cháu không được quên cội nguồn. Tôi tự hào vì lễ hội quê mình được nhiều người biết đến”.

Song song với bảo tồn văn hóa, Lễ hội Mường Xia còn được gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đầu tư làm homestay, phục vụ ẩm thực dân tộc, hướng dẫn du khách trải nghiệm văn hóa Thái như dệt thổ cẩm, giã bánh dày, uống rượu cần, múa sạp... Anh Lê Văn Nam, du khách đến từ TP Thanh Hóa cho biết: “Lần đầu tham dự Lễ hội Mường Xia, tôi ấn tượng với không khí thiêng liêng và đậm đà bản sắc. Những nghi lễ rước lễ vật, múa khèn hay tiếng chiêng vang lên giữa núi rừng khiến tôi xúc động”.

Trong chiến lược phát triển văn hóa - du lịch của địa phương, lễ hội đóng vai trò quan trọng như một sản phẩm đặc trưng gắn với bản sắc địa phương. Hiện nay, huyện Quan Sơn đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, bảo tồn đền thờ Tư Mã Hai Đào phục dựng các điệu múa, bài hát và nghi lễ cổ nhằm làm cho lễ hội ngày càng hấp dẫn hơn với du khách.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dac-sac-le-hoi-muong-xia-244742.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm