Từ con lươn giống…
Nhiều năm qua, nuôi lươn thương phẩm phát triển mạnh ở xã Thạnh Mỹ Tây, với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do yếu tố cạnh tranh, cùng với mức giá thị trường dao động từng thời điểm đã khiến nghề nuôi luôn thương phẩm gặp khó.
Nhận thấy khó khăn của con lươn thương phẩm, cùng với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều lần thả nuôi, anh Nguyễn Hải Vương (ấp Long Châu, xã Thạnh Mỹ Tây) đã chuyển hướng sang nuôi lươn giống cung cấp cho thị trường. Anh Vương chia sẻ: “Do nhu cầu người nuôi lươn ngày càng nhiều đã dẫn đến nguồn giống khan hiếm. Trong khi đó, nguồn giống tự nhiên cũng không đảm bảo chất lượng. Là người nuôi lươn thịt nhiều năm, tôi hiểu rõ khó khăn này. Vì vậy, tôi quyết định chuyển sang nuôi lươn giống cung cấp cho thị trường. Vì làm một mình không kham nổi, nên tôi rủ những anh em ở lân cận cùng tham gia”.
Các sản phẩm khô lươn đạt chuẩn OCOP của Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ - nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây
Theo lời anh Vương, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ Tây, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Châu Phú, HTX Thương mại - Dịch vụ nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây đã ra đời, trở thành nơi để những người có cùng mục tiêu gắn bó nghề nuôi lươn giống học tập kinh nghiệm, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Khoảng 2 tháng, các thành viên trong HTX xuất bán từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn con giống ra thị trường, với mức giá dao động từ 1.000 - 3.500 đồng/con, tùy theo kích cỡ.
“Nguồn lươn giống anh em cung cấp cho thị trường phải đảm bảo an toàn sinh học, đó là không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình ương giống. Nhờ đó, con giống có tỷ lệ sống cao, được nông dân khắp nơi tin tưởng. Không chỉ cung cấp giống cho người nuôi lươn trong tỉnh, mà nông dân ở các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu… cũng tìm đến mua lươn của anh em trong HTX. Điều này càng thôi thúc chúng tôi phải duy trì nghiêm ngặt các quy trình nuôi, ương lươn giống, đảm bảo nguồn cung chất lượng cho bà con. Ngoài lươn giống, chúng tôi còn nuôi lươn thịt cung cấp ra thị trường” - anh Vương chia sẻ.
Hợp tác xã cung cấp lươn giống chất lượng ra thị trường
Thời điểm chúng tôi đến, anh Vương đang thu hoạch trứng lươn. Bên cạnh việc nuôi lươn giống trong bùn, anh đang thử nghiệm cách nuôi những con lươn đẻ bằng phương pháp không bùn. Nếu thành công, sẽ triển khai ra các thành viên trong HTX áp dụng.
Đến “con lươn OCOP”
Nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi lươn giống của HTX, Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ Tây đã hướng dẫn các thành viên phát triển sản phẩm OCOP dựa trên con lươn thịt. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ Tây Đặng Vũ Linh cho biết: “Với mục tiêu hỗ trợ thành viên trong HTX đa dạng hóa sản phẩm từ con lươn, chúng tôi đã kết nối với ngành chuyên môn, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phát triển kỹ thuật nuôi, chế biến lươn thịt đạt chuẩn OCOP. Hiện, HTX đã được hỗ trợ máy móc chuyên dụng, đủ điều kiện để cung cấp khô lươn đạt chuẩn ra thị trường”.
Ông Đặng Vũ Linh thông tin thêm, sản phẩm khô lươn “3 không” của HTX với tiêu chí: Không chất bảo quản, không kháng sinh, không hóa chất đã được UBND huyện Châu Phú ra quyết định phê duyệt là “sản phẩm OCOP” của huyện trong đợt 1/2025. Đây là động lực để HTX tiếp tục phát triển các sản phẩm từ con lươn phục vụ thị trường.
“Hiện nay, chúng tôi đã được chuyển giao kỹ thuật làm 2 sản phẩm mới là khô lươn ăn liền và lươn chà bông, dự kiến sẽ thực hiện trong tương lai gần. Mong rằng các sản phẩm mới cũng sẽ được thị trường đón nhận, tạo động lực để HTX Thương mại - Dịch vụ nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây phát triển ngày càng tốt hơn” - ông Đặng Vũ Linh thông tin thêm.
Anh Vương khai thác trứng lươn
Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng sản phẩm khô lươn của HTX vẫn chưa được nhiều người biết đến. Với vai trò là giám đốc HTX, anh Nguyễn Hải Vương đã đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng ở một số nơi. Tuy nhiên, sức mua chưa đáp ứng kỳ vọng. Do đó, anh Vương mong muốn sẽ được hỗ trợ kết nối đầu ra, để sản phẩm khô lươn của HTX đến được với các thị trường tiềm năng.
“Thực tế, trường hợp khách ở nơi khác đặt hàng với số lượng lớn, hoặc gửi hàng đi quá xa, thì chúng tôi chưa đủ năng lực đáp ứng. Với thị trường trong tỉnh, người dân vẫn chưa biết nhiều đến khô lươn, nếu được dùng thử một lần sẽ cảm nhận được vị ngon đặc trưng của nó. Nếu có điều kiện, tôi mong được tham gia nhiều hội chợ, phiên chợ để quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ con lươn nuôi theo chuẩn an toàn sinh học tại xã Thạnh Mỹ Tây” - anh Nguyễn Hải Vương mong mỏi.
MINH QUÂN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/phat-trien-con-luon-ocop--a418373.html
Bình luận (0)