.jpg)
Hôm nọ, vợ chồng tôi về quê núi Đông Giang. Người bạn “nối khố” của chồng tên Alăng Beo mời ghé thăm Katu quán (tên gọi quán ăn của gia đình anh vừa mới khai trương tại thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn).
Trong bữa cơm tối gia đình, anh Alăng Beo dọn ra rất nhiều ẩm thực địa phương. Một đĩa rau Arui xanh mướt được bày biện đẹp mắt, Alăng Beo nói, đó là sản vật của vùng, bắt đầu có tên trong thực đơn của Katu quán.
Alăng Beo kể, do điều kiện môi trường sống, vài năm trở lại đây, Arui ngày càng khó tìm nên người dân địa phương chỉ dành cho khách quý.
Arui có lá gần giống với cây rù rì nhưng nhỏ hơn và thường mọc trên những phiến đá ở các triền núi, ven bờ sông nhiệt độ thấp. Sau các trận lụt mang theo phù sa từ thượng nguồn đổ về bồi đắp cho mép sông thêm màu mỡ giúp cây Arui càng tươi tốt và khỏe mạnh, tiếp sức chuẩn bị cho một chu kỳ sinh chồi, nảy lộc.

Một số già làng người Cơ Tu cho hay, hằng năm, cây Arui chỉ xanh tốt trong khoảng thời gian cuối tháng Chạp cho đến hết tháng 3 âm lịch. Thời điểm đó, cây Arui cho lá xanh mởn, một số cây ra hoa.
Với người Cơ Tu hay các dân tộc thiểu số sinh sống dưới chân núi Trường Sơn, Arui thường được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Chủ yếu là món xào tỏi ớt hoặc kho chung với các loại cá suối, ốc đá, thậm chí nấu canh. Nhưng, Arui ngon nhất vẫn là món kho chung với cá suối, cách nấu khá giống với món ốc đá nấu rau ranh ở vùng Tiên Phước, Bắc Trà My…
Ngày trước, thời điểm sau tết, cha tôi thường đi đánh lưới dọc sông Ring. Khi trở về nhà, trên tay ông gần như lúc nào cũng có nắm Arui xanh mướt. Những con cá niên sau khi được ướp gia vị, mẹ tôi kho đều đến lúc thịt cá săn lại thì đổ ít nước sôi vào.
Sau đó, cho rau Arui nấu cùng đến khi rau mềm thì vớt vào tô cho cả nhà cùng thưởng thức. Món này ăn khá lạ miệng, bởi vị béo ngậy và đăng đắng từ thịt cá niên hòa quyện cùng vị bùi ngọt của rau Arui, thường được ví như “mỹ vị nhân gian” ở núi.

Những năm sau này ở phố, thỉnh thoảng về quê trúng thời điểm Arui đang vào mùa, tôi thường được chiêu đãi món ẩm thực truyền thống mang đậm hương vị quê xứ.
Phong vị của người miền núi khá đa dạng, vài năm trở lại đây, Arui còn được chế biến thành các món xào khô với thịt xông khói, hay món rau luộc… Không chỉ có giá trị dinh dưỡng, rau Arui còn mang hương vị đặc biệt. Dù bằng cách chế biến nào, khi nấu chín, Arui vẫn giữ được vị thơm bùi, ngọt thanh nơi đầu lưỡi.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ rau Arui ở miền núi, đặc biệt là các địa phương Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang rất cao, có nơi giá bán dao động từ 90 - 150 nghìn đồng/kg. Vì thế, thời điểm này rau Arui trở nên khan hiếm, chỉ thường xuất hiện tại các quán ăn, nhà hàng như một đặc sản không thể thiếu của miền núi.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dac-san-rau-rung-arui-3152654.html
Bình luận (0)