Tại buổi thảo luận, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận định, một trong những quy trình đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội là công khai quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐB. Tuy nhiên, theo ĐB Thạch Phước Bình, hiện nay, nhiều báo cáo giải trình còn chung chung, không rõ nội dung nào được tiếp thu, nội dung nào chưa được tiếp thu. Điều này không những làm giảm tính thuyết phục của báo cáo mà còn khiến cử tri và ĐB Quốc hội khó theo dõi hiệu quả phản hồi chính sách của cơ quan soạn thảo.

Từ nhận định trên, ĐB kiến nghị bổ sung vào nội quy kỳ họp mang tính bắt buộc. Theo đó, tất cả các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội phải công khai trên cổng thông tin điện tử ít nhất 48 giờ trước phiên họp…
Cũng theo ĐB Thạch Phước Bình, nghị trường Quốc hội là nơi thể hiện tiếng nói của nhân dân, sự trang nghiêm của thể chế, là biểu tượng cho tinh thần thượng tôn pháp luật, đối thoại dân chủ. Tuy nhiên, thời gian qua, nội quy chưa quy định đầy đủ về trang phục, biểu tượng cá nhân và những hành vi bị nghiêm cấm, những hành vi cần được khuyến khích. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân ĐB, mà còn làm giảm sút sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền nhà nước trước nhân dân và bạn bè quốc tế.

Từ đó, ĐB Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung hành vi bị cấm tại hội trường, như cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có gắn logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hay biểu tượng cá nhân để đỡ gây hiểu lầm; cấm rời khỏi hội trường khi không có lý do chính đáng, nhất là lúc diễn ra thảo luận hoặc biểu quyết...; cấm phát biểu công kích cá nhân, dùng ngôn ngữ mỉa mai hoặc xuyên tạc nội dung đã được thảo luận gây rối trật tự hoặc làm nhiễu loạn thông tin.
Cùng với đó, ĐB Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung các hành vi được khuyến khích, như: khuyến khích ĐB phát biểu ngắn gọn, bằng chứng rõ ràng, có chất lượng phân tích; tranh luận trên cơ sở thông tin chính xác; khuyến khích đại biểu mặc trang phục truyền thống, dân tộc khi có khách quốc tế dự...

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tự nhận mình là một trong những ĐB "phát biểu hơi nhiều". Chính vì thế, ông đề nghị thời gian thảo luận tại hội trường nên "linh động" hơn. Nếu nhiều ĐB đăng ký phát biểu, có thể điều chỉnh rút ngắn thời gian thảo luận và tranh luận; ngược lại, ít ĐB phát biểu có thể tăng thời gian. "Nhiều ĐB phát biểu thì quy định 5 phút, ít ĐB phát biểu có thể 7 phút. Tôi là người phát biểu hơi nhiều, nếu phát biểu lần thứ 2 thấy cũng kỳ kỳ", ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các ĐB để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Trước đó, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội đề xuất phương án về thời gian phát biểu của ĐB Quốc hội tại phiên họp toàn thể. Theo đó: “… ĐB Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 5 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút...” và “Căn cứ vào diễn biến phiên họp, đoàn chủ tịch có thẩm quyền đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian mỗi ĐB Quốc hội phát biểu…”.
Về vấn đề này, quá trình thảo luận đang có 2 loại ý kiến.
Thứ nhất, trường hợp ĐB Quốc hội chưa phát biểu hết ý kiến thì có thể đăng ký phát biểu lần thứ hai hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị trường hợp đã quy định thời gian phát biểu của ĐB Quốc hội không quá 5 phút thì không nên tiếp tục rút ngắn thời gian mỗi ĐB phát biểu, tạo điều kiện cho đại biểu chủ động chuẩn bị nội dung phát biểu và nói hết ý kiến của mình.
Thứ hai, việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của ĐB Quốc hội từ không quá 7 phút (theo quy định hiện hành) xuống còn không quá 5 phút và căn cứ vào diễn biến phiên họp. Thời gian phát biểu lần đầu còn có thể rút ngắn hơn là không thực sự phù hợp, không đủ thời gian để ĐB Quốc hội trình bày hết ý kiến của mình. Do đó, đề nghị giữ quy định như hiện hành, chỉ bổ sung thêm quy định về việc chủ tọa, người điều hành phiên họp căn cứ vào diễn biến phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của ĐB Quốc hội xuống còn không quá 5 phút để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dai-bieu-de-xuat-cam-mac-trang-phuc-co-logo-doanh-nghiep-khi-hop-quoc-hoi-post797155.html
Bình luận (0)