Góp ý cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 6a), đại biểu Nguyễn Hữu Thông đánh giá dự thảo đã thể hiện khá rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định hiện hành vẫn chưa đầy đủ khi thiếu cơ chế bắt buộc chia sẻ dữ liệu quản lý giữa các cơ quan; đồng thời chưa quy định rõ trách nhiệm xử lý đối với những trường hợp không kịp thời cảnh báo rủi ro về hàng hóa kém chất lượng, hàng giả – yếu tố từng khiến công tác phản ứng, cảnh báo trên thực tế diễn ra chậm trễ, thiếu hiệu quả. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung quy định bắt buộc về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước trên nền tảng số dùng chung, đồng thời quy định chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ này. Đây là giải pháp nhằm tăng tính kết nối, khắc phục tình trạng “quản lý chồng chéo, thiếu liên thông” trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Về truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng (Điều 7c), theo đại biểu, quy định tại dự thảo lần này đã khuyến khích mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa quy trình sản xuất và lưu thông sản phẩm, đây là công cụ quan trọng để chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ mới dừng lại ở mức “khuyến khích”, chưa có tính chất bắt buộc đối với nhóm hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao như thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… đây là những lĩnh vực đang bị hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành mạnh mẽ hiện nay.
Để hạn chế tối đa tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất tuồn ra thị trường gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là đối với nhóm hàng hóa gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm hàng hóa rủi ro cao nêu trên và giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục và lộ trình thực hiện bắt buộc; đồng thời kết hợp kiểm tra, hậu kiểm định kỳ và công bố công khai trên Cổng thông tin truy xuất quốc gia.
Đối với trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử (Điều 44b), theo đại biểu, nội dung quy định này là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên Luật hóa trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, điều này rất cần thiết trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, trở thành kênh phổ biến cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đại biểu vẫn còn băn khoăn một số vấn đề, như: Việc quy định các sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… liệu có vượt quá khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý của các sàn thương mại điện tử này hay không, vì các doanh nghiệp này không có chức năng điều tra, kiểm định hay thẩm quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Nếu bị ràng buộc bởi quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ bị đẩy vào vị thế khó thực hiện, và đối mặt với rủi ro pháp lý tiềm ẩn.
Mặt khác, các nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… đã được quy định rõ trong một số Luật và nghị định như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; dự thảo Luật Thương mại điện tử; Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP… do đó, việc tiếp tục điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể sẽ gây trùng lặp và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung quy định tại Điều này để tránh mâu thuẫn chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.
Góp ý về khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 44d), theo đại biểu, việc bổ sung hoạt động khảo sát chất lượng hàng hóa là điểm rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm phòng ngừa, cảnh báo sớm, giúp cải thiện hoạt động hậu kiểm hiện còn mang tínhhình thức. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo chưa quy định cụ thể về tần suất, tỷ lệ khảo sát định kỳ theo ngành hàng; chưa có quy định bắt buộc công bố kết quả khảo sát công khai để người tiêu dùng và doanh nghiệp giám sát. Do đó, đại biểu kiến nghị, bổ sung quy định theo hướng bổ sung cụ thể về tần suất, tỷ lệ khảo sát định kỳ theo ngành hàng; đồng thời công bố công khai kết quả khảo sát trên Cổng thông tin chất lượng quốc gia, để nâng cao trách nhiệm và minh bạch thị trường.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/dai-bieu-nguyen-huu-thong-can-bo-sung-quy-dinh-chia-se-du-lieu-minh-bach-trach-nhiem-quan-ly-chat-luong-hang-hoa-130263.html
Bình luận (0)