Đại lễ Tẩu sai hay lễ Cấp sắc 12 đèn, là cấp bậc cao nhất của lễ giáo theo phong tục của người Dao. Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên là khi người đàn ông Dao trưởng thành được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cao nhất được cấp 12 đèn và 120 binh mã.

Đây là nghi thức cao nhất, không bắt buộc, rất hiếm gặp và được tổ chức bởi nhiều dòng họ cùng đứng ra chuẩn bị trong nhiều năm. Khi trải qua nghi lễ cao nhất này, những người đàn ông Dao sẽ được cộng đồng trọng vọng và trở thành niềm vinh dự lớn của gia đình, dòng họ.

Mặc dù cấp sắc là cho những người đàn ông trưởng thành nhưng điều kiện bắt buộc đó là họ phải có gia đình hạnh phúc, được cộng đồng ghi nhận. Vì thế, trong lễ cấp sắc luôn xuất hiện những người phụ nữ là vợ của những người đàn ông Dao khi họ phải thực hiện các nghi lễ.

Lễ Cấp sắc 12 đèn diễn ra với rất nhiều bước như: lễ đón thầy, lễ khai đàn báo cáo tổ tiên, lễ lên tranh… Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ, từ các thầy cúng đến học trò là những đối tượng được cấp sắc và khách mời đều phải ăn chay, các cặp vợ chồng đều phải tách ra ăn riêng, ở riêng. Sau đó thầy cúng làm lễ truyền thụ cho học trò, dặn dò các trò sau lễ Cấp sắc cao nhất này phải có tâm, có đức mới phải đạo làm người. Nghi lễ trang trọng nhất sẽ diễn ra vào đêm thứ 3 của ngày lễ, một khay thắp 7 ngọn nến và một khay thắp 12 ngọn nến được các thầy truyền qua đầu các trò nhiều vòng để ban phép 120 binh mã.

Sau khi làm lễ lên đèn xong các trò trải chiếu rồi nằm ngay ngắn đặt một chiếc mặt nạ, một đôi đũa lên mặt theo chiều từ trên xuống để thực hiện những nghi lễ riêng biệt. Các thầy sẽ đi 3 vòng xung quanh vừa đi vừa đọc chú, sau đó đến chỗ nằm của từng học trò vỗ vào ngực đưa họ về thực tại. Ngày cuối cùng là lễ đăng quang ở đàn tràng ngoài trời. Trong lễ này, thầy cúng dẫn các trò lên đàn tràng để nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng (tượng trưng) và văn bằng âm dương - bằng cấp cao nhất. Tiếp đến, các trò cùng vợ lần lượt quỳ xuống nhận dấu ấn do các thầy cấp cho.

Đây là thời khắc linh thiêng nhất trong cuộc đời của người đàn ông Dao đỏ. Sau khi lễ đăng quang kết thúc trở về, các trò sẽ thay áo choàng bằng áo chàm đen truyền thống của dân tộc Dao và ngồi vòng quanh bàn đã được xếp sẵn thành 2 hàng, chồng trước, vợ sau để ăn bữa cơm đoàn viên. Thầy cúng cả cầm dải băng trắng cuốn quanh những người thụ lễ, dải băng này tượng trưng cho sự gắn kết và đi một vòng phân phát cho mỗi người một nắm gạo tượng trưng cho binh lính. Sau khi lễ kết thúc, gạo được gói lại vào dải băng trắng và mỗi người cắt lấy một đoạn mang về.
Nét độc đáo và riêng biệt chỉ có ở lễ Cấp sắc cao nhất sẽ diễn ra sau bữa cơm đoàn viên. Để thử thách lòng dũng cảm của các trò, đá và lưỡi cày nung đỏ trong lửa hồng được thúc văng ra khỏi bếp. Các trò sẽ lao vào giành lấy lưỡi cày đã nung đỏ, nếu ai nắm được coi như sẽ được lộc lớn. Sau đó 12 viên đá nung đỏ sẽ được xếp thành hàng dọc các trò phải chạy qua bằng chân không để thử thách ý chí. Sau khi hoàn tất các nghi lễ, mọi người cùng hân hoan mở tiệc mừng những người được cấp sắc.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)