Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam29/03/2025

Khoa học khởi nguồn cho chính sách đúng đắn

Tại chuyến thăm Liên minh Bioversity và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) vừa qua, bà Camila Maria Polo Florez, Đại sứ Colombia tại Việt Nam cho biết, tương tự Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nông nghiệp là một ngành quan trọng đối với Colombia.

Ngành không chỉ là xương sống của sản xuất lương thực, thực phẩm (LTTP) mà còn là nguồn sinh kế chính của vô số nông dân quy mô nhỏ và nhà sản xuất nông thôn. “Tăng trưởng kinh tế hiện tại và khả năng phục hồi xuất khẩu của Colombia, ngoài nhiên liệu hóa thạch truyền thống, phần lớn trông chờ vào nông nghiệp”, bà nói.

Bà Camila Maria Polo Florez (thứ 2 từ phải), Đại sứ Colombia tại Việt Nam thăm trụ sở CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Bà Camila Maria Polo Florez (thứ 2 từ phải), Đại sứ Colombia tại Việt Nam thăm trụ sở CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Theo đại sứ, sản xuất LTTP giờ không còn bó hẹp trong phạm vi sản xuất đơn thuần, mà tồn tại trong một hệ thống LTTP rộng hơn, liên kết chặt chẽ hơn, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Trong đó, môi trường LTTP - bối cảnh nơi người tiêu dùng thu nhận, mua sắm LTTP - là một yếu tố quan trọng, gắn kết khăng khít giữa lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Colombia đã cam kết trở thành quốc gia tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong phương hướng hành động, quốc gia hơn 50 triệu dân coi trọng tri thức bản địa, xem vốn kiến thức này là tư liệu quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Nhắc lại chủ đề của hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học năm ngoái, Đại sứ Camila nhấn mạnh “con người phải chung sống hòa bình với thiên nhiên". Theo bà, Colombia là quốc gia có tính đa dạng sinh học rất cao nên phải có trách nhiệm với việc gìn giữ, duy trì sức khỏe môi trường.

Chuyến thăm CIAT của đại sứ nhằm khẳng định niềm tin vào sức mạnh của khoa học và nghiên cứu trong việc cung cấp thông tin, tư vấn và đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp. Bà cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của chính phủ trong việc hỗ trợ các nghiên cứu như vậy. “Chính sách tốt phải bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc”, bà nói.

Đại sứ Camila đánh giá cao nhiệt huyết và tinh thần nghiên cứu khoa học của cán bộ CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Đại sứ Camila đánh giá cao nhiệt huyết và tinh thần nghiên cứu khoa học của cán bộ CIAT. Ảnh: Linh Linh.

Báo cáo đại sứ, TS Ricardo Hernandez, Trưởng đại diện CIAT tại Việt Nam thông tin, thời gian qua liên minh đã phối hợp với hàng trăm đối tác, nhằm giúp các quốc gia đang phát triển canh tác nông nghiệp một cách cạnh tranh, có lợi nhuận và tăng khả năng phục hồi thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh, bền vững.

Từ khi chuyển văn phòng khu vực châu Á từ Lào sang Việt Nam vào năm 2010, CIAT đã cung cấp nhiều giải pháp chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và LTTP, cũng như giải quyết các vấn đề ở vùng giao thoa giữa nông nghiệp, môi trường và dinh dưỡng.

Để hưởng ứng Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững của Việt Nam tại Quyết định số 300/2023/QĐ-TTg (NAP-FST), các sáng kiến của CIAT, thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc gia, tập trung vào nghiên cứu liên quan đến môi trường LTTP toàn diện, chế độ ăn uống lành mạnh bền vững và chính sách và quản trị hệ thống LTTP.

Các sáng kiến này giúp hỗ trợ kỹ thuật về chính sách hệ thống LTTP, cải thiện thể chế và phát triển năng lực, thúc đẩy sự hợp tác và tăng cường nỗ lực ở cả cấp quốc gia và địa phương để thực hiện hiệu quả NAP-FST. CIAT được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận vì những đóng góp của mình vào quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP tại Việt Nam.

TS Ricardo Hernandez trình bày những nội dung nghiên cứu chính của CIAT. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Ricardo Hernandez trình bày những nội dung nghiên cứu chính của CIAT. Ảnh: Bảo Thắng.

CIAT đề cao khả năng tiếp cận LTTP an toàn và bổ dưỡng cho người tiêu dùng bằng cách phân tích các yếu tố tác động an ninh LTTP và dinh dưỡng theo chiều ngang từ nông thôn đến thành thị. Liên minh cũng liên tục nghiên cứu, cung cấp nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao thông qua giám sát dịch hại, nghiên cứu các thức ăn chăn nuôi cải tiến, vật liệu trồng trọt sạch. Bên cạnh đó, nhấn mạnh vào công cuộc tái tạo đất thông qua tìm hiểu hệ vi sinh vật và theo dõi tình trạng phá rừng do các hoạt động nông nghiệp gây ra.

“Chúng tôi hỗ trợ nông dân và địa phương tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và đảm bảo chuỗi cung ứng nông lâm kết hợp không phá rừng ở các đồn điền sắn và cà phê, cùng nhiều loại hình khác”, TS Ricardo chia sẻ.

Năm 2024, CIAT nhận bằng khen của Chính phủ sau khi các khuyến cáo về khí hậu được đưa trong Bản tin Thời tiết nông vụ đã hỗ trợ hơn 277.000 nông dân, giúp các bên liên quan thực hiện nhiều biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro ở ĐBSCL.

Tầm nhìn trong 10 năm tới, CIAT sẽ mở rộng quy mô và thực hiện những đổi mới giúp hệ thống nông nghiệp, thực phẩm của khu vực Đông Nam Á có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại sinh kế cho những người sản xuất LTTP và các bên liên quan trong chuỗi giá trị.

Liên minh cũng dành sự quan tâm cho việc nghiên cứu những giải pháp cung cấp thực phẩm giá cả phải chăng, bổ dưỡng và lành mạnh hơn cho người tiêu dùng, góp phần gìn giữ môi trường tự nhiên.

Đại sứ Camila mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại sứ Camila mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lúa gạo và hạt điều

Sau khi nghe các nhóm nghiên cứu về chuyển đổi hệ thống LTTP, ứng phó với biến đổi khí hậu… trình bày, Đại sứ Camila cho rằng, những nội dung này rất hữu ích với Colombia, nhất là trong bối cảnh quốc gia có diện tích hơn 1,1 triệu km2 đang đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng các công cụ số, trí tuệ nhân tạo để phát triển nông nghiệp bền vững.

Colombia là một trong những nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới, nổi tiếng với chất lượng cao, hương vị đặc trưng. Ngoài ra, nước này còn thuộc nhóm dẫn đầu trong xuất khẩu chuối, dầu cọ và một số nông sản khác như mía đường, ca cao.

Tương tự một số quốc gia đang phát triển, nền nông nghiệp Colombia đang gặp nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và đầu tư vào cơ giới hóa, công nghệ chế biến của quốc gia Nam Mỹ chưa phát triển tương xứng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân. Chi phí vận chuyển, logistics tại Colombia còn tương đối cao, hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thời gian tới, Colombia định hướng phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, nhất là việc xây dựng nhiều mô hình trồng cà phê hữu cơ. Nước này cũng đặc biệt quan tâm đến công cuộc chống nạn phá rừng, tăng cường an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Từ thời điểm nhậm chức vào đầu năm 2025, Đại sứ Camila ấn tượng với nông nghiệp Việt Nam và coi đây là nguồn cảm hứng quý giá, nhất là trong công cuộc phát triển sản xuất lúa gạo. “Ngành lúa gạo Colombia từng là một phần quan trọng của nền kinh tế, nhưng đang phải vật lộn do sự cạnh tranh bên ngoài và tình trạng kém hiệu quả bên trong”, bà bày tỏ.

Bản tin Thời tiết nông vụ, một sản phẩm do CIAT phối hợp thực hiện, đã lan tỏa mạnh mẽ tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Linh Linh.

Bản tin Thời tiết nông vụ, một sản phẩm do CIAT phối hợp thực hiện, đã lan tỏa mạnh mẽ tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Linh Linh.

Chính phủ Colombia kỳ vọng hồi sinh ngành hàng này và Đại sứ quán tại Việt Nam mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến của Việt Nam để đưa ra phương pháp tiếp cận phù hợp với bối cảnh thực tế của quốc gia có rừng Amazon.

Một lĩnh vực khác cũng được quan tâm là phát triển nghề trồng điều. Colombia có khí hậu tương đối phù hợp với nông sản được xem là thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua sự giúp đỡ, trao đổi giữa hai bên, đại sứ hy vọng Colombia có thể tìm ra những khu vực phù hợp để thử nghiệm mặt hàng có giá trị toàn cầu được dự báo 8 tỷ USD trong năm 2025.

Qua các buổi làm việc, Đại sứ Camila nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Colombia và Việt Nam, cả về thách thức, cơ hội và tiềm năng cho các quan hệ đối tác mới, đặc biệt là giữa các viện nghiên cứu, chính phủ, các trường đại học và khu vực tư nhân. Bà lưu ý, rằng sự phát triển của ngành nông nghiệp, thực phẩm phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của khu vực tư nhân.

Với riêng CIAT, bà tái khẳng định sự ủng hộ với các sáng kiến ​​đổi mới giúp chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững, xem đây là một trụ cột quan trọng trong việc tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của quốc gia.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/dai-su-colombia-chinh-sach-tot-bat-nguon-tu-co-so-khoa-hoc-vung-chac-d745507.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm