Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông đã ban hành các văn bản về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Ngành chức năng, các địa phương định kỳ kiểm tra, kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Các cấp, ngành, đoàn thể tỉnh phối hợp với một số đơn vị trực thuộc của bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, hội nghị nhằm tuyên truyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân về tuân thủ, đáp ứng các quy định về nông sản xuất khẩu.
Việc tuyên truyền tập trung các nội dung như quản lý sản xuất, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với tiêu thụ sản phẩm như sầu riêng, chanh dây, cà phê trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, qua kiểm tra, hầu hết các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói của tỉnh đều duy trì thực hiện tốt các yêu cầu, quy định của nhà nhập khẩu.
Các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện tốt các công tác về quản lý mã số vùng trồng, bảo đảm sản xuất đúng theo quy định hiện hành của Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.
Các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu phải cập nhật thông tin toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển sản phẩm trên phần mềm quản lý vùng trồng (Farmdiary) và phần mềm quản lý cơ sở đóng gói.

Đắk Nông đã có 54 mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Các loại cây được cấp mã vùng trồng bao gồm: sầu riêng, xoài, bưởi, bơ,chanh dây, cà phê... Đây là những nông sản chủ lực, có tiềm năng lớn để phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Ngành chức năng đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, tổng hợp và đàm phán với nước nhập khẩu để tiếp tục duy trì các mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói này.
Việc cấp mã vùng trồng không chỉ bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà còn là yêu cầu bắt buộc để các sản phẩm nông sản của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Đến hết quý I/2025, Đắk Nông có 6 vùng trồng, 4 cơ sở đóng gói (đều là sầu riêng) bị thu hồi mã số xuất khẩu với lý do nhiễm chất cadimi theo thông báo của nước nhập khẩu.
Đây là một bài học đắt giá cho đơn vị và các bên liên kết. Do đó, các vùng trồng cần nghiêm túc xem xét kỹ lưỡng ở tất cả các khâu từ đất đai, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật, quá trình thu hái, vận chuyển, đóng gói sản phẩm.
Đắk Nông có 1 mã cơ sở đóng gói tại huyện Đắk R’lấp, 1 mã vùng trồng tại huyện Đắk Song không thực hiện xuất khẩu trong năm 2024.
Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp, đơn vị đã đề nghị Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo về tình hình các cơ sở thực hiện xuất khẩu để phối hợp quản lý, xác minh thông tin kịp thời.
Từ đó, tránh việc sử dụng, giả mạo mã số vùng trồng trong xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến các ngành hàng nông sản Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp, các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam cũng như Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-siet-chat-quan-ly-cac-ma-vung-trong-253066.html
Bình luận (0)