Một tiết học ngoại khóa về an toàn giao thông của Trường THCS và THPT Đakrông -Ảnh: M.T
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc học sinh chưa ý thức cao trong chấp hành quy định giao thông, thiếu sự giám sát của phụ huynh, nhà trường và các đơn vị liên quan.
Trước tình hình này, UBND huyện Đakrông yêu cầu các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện. Từ đó, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật trong Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, UBND huyện về đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện, trọng tâm là kế hoạch của UBND huyện về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm. Rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục.
Tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác; bảo đảm mỗi trường học, mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về TTATGT; hướng dẫn tổ chức cho nhà trường, phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông.
Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đakrông Trần Đăng An cho biết: “Để góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật và thực hiện pháp luật trong học sinh, trường đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ý nghĩa như: phối hợp với lực lượng công an tổ chức “Ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT và ký cam kết thực hiện trường học văn minh, an toàn năm 2024 - 2025”.
UBND huyện cũng đã đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm TTATGT tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
Phối hợp giữa các lực lượng khác phân luồng, phòng ngừa, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường quanh khu vực các trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học. Kiểm tra các bãi giữ xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý.
Đối với các bãi giữ xe được cấp phép xung quanh khu vực trường học thì yêu cầu cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô phân khối lớn của học sinh; kiến nghị với nhà trường bố trí địa điểm và phân luồng cho học sinh ra về hợp lý để phụ huynh vào trường dừng, đón học sinh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông.
Chúng tôi cho rằng, để các giải pháp nêu trên được triển khai hiệu quả và đồng bộ, cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Cụ thể chính quyền địa phương cần đưa công tác đảm bảo ATGT học đường vào chương trình phát triển KT-XH hằng năm; bố trí ngân sách hợp lý cho cải tạo hạ tầng và hỗ trợ học sinh.
Với ngành giáo dục cần chỉ đạo các trường tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục ATGT; khen thưởng kịp thời những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần có kế hoạch phối hợp cụ thể với nhà trường, không chỉ kiểm tra, xử phạt mà còn hướng dẫn, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chuyên đề. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân cần lồng ghép nội dung tuyên truyền TTATGT vào các chương trình hoạt động định kỳ, đặc biệt tại các bản làng vùng sâu”.
Đảm bảo TTATGT cho học sinh là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục, ngành giao thông mà còn của toàn xã hội. Ở một địa bàn đặc thù như huyện Đakrông, việc thực hiện các giải pháp nêu trên cần được tiến hành một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng trường học.
Chỉ khi có sự chung tay của gia đình, nhà trường, chính quyền và toàn cộng đồng mới có thể bảo vệ an toàn cho thế hệ tương lai, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh, văn minh nơi vùng cao.
Minh Anh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dakrong-tang-cuong-cac-giai-phap-dam-bao-trat-tu-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-193428.htm
Bình luận (0)