Thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, tạo công bằng và ổn định xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Đảm bảo thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, các hoạt động của TP Hạ Long được công khai đến tổ dân, khu phố, hoặc đại diện nhân dân. Điển hình như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, phương án điều chỉnh quy hoạch khu dân cư; phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư; công khai nhiệm vụ, quyền hạn của các cán bộ chuyên môn trực tiếp giải quyết công việc cho dân theo quy định của pháp luật… Trên cơ sở này, thành phố tập trung triển khai các giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thôn, khu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Các xã, phường công khai các khoản thu - chi; các đợt vận động quyên góp của dân, như: Các loại quỹ, các khoản đóng góp của dân; kinh phí xây dựng nâng cấp các tuyến đường liên khu, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng... Các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố, nhân dân tự quản đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí. Bà Đặng Thị Quỳnh (thôn 2, xã Quảng La, TP Hạ Long) chia sẻ: Mỗi người dân đều rất đồng thuận với việc công khai, minh bạch, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra khi tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các nội dung theo quy định của pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thực hiện công khai minh bạch từ cơ sở. Các địa phương tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Các xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ bản đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các quy định của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với nhiều hình thức, như niêm yết tại trụ sở UBND xã, họp dân, tiếp xúc cử tri, qua hệ thống loa truyền thanh, các phương tiện công nghệ thông tin...
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các xã, phường, thị trấn tổ chức họp đại diện các hộ gia đình để nhân dân cùng bàn bạc và quyết định các kế hoạch, thực hiện các chủ trương trong việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn. Qua đó góp phần tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Người dân trong tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự điều hành của bộ máy chính quyền và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ công dân.
Việc đảm bảo quy chế dân chủ cũng được thực hiện nghiêm túc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp công khai, phổ biến nội quy, quy chế tới NLĐ; đa dạng các hình thức công khai, như: Niêm yết thông tin; thông báo tại hội nghị NLĐ; hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở; tại các cuộc họp, giao ban của đơn vị, bộ phận trong doanh nghiệp; thông báo bằng văn bản đến toàn thể NLĐ… NLĐ tại các doanh nghiệp đều được bàn và quyết định các nội dung thương lượng tập thể theo quy định. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp đã phát huy vai trò công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Ban thanh tra nhân dân đã chủ động phối hợp với giám đốc doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh tại cơ sở...
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Nguồn
Bình luận (0)