Đại diện lãnh đạo các đơn vị ấn nút khai trương Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) huyện Đam Rông. Ảnh: Ndong Brừm |
Theo ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về CCHC, năm 2021, địa phương đã ban hành Kế hoạch công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện với quyết tâm xây dựng chính quyền huyện Đam Rông thân thiện, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân. Hàng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện công tác CCHC nhà nước đến các phòng, ban, ngành, UBND các xã trên địa bàn huyện. Tập trung vào 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Cụ thể, trong cải cách TTHC, hằng năm, UBND huyện Đam Rông đã ban hành các kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC, qua đó yêu cầu các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã xây dựng kế hoạch triển khai rà soát, đánh giá TTHC thuộc lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách. Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện TTHC không phù hợp, gây khó khăn, phiền hà, bất lợi cho người dân hoặc thông qua công tác tiếp xúc cử tri đối với các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC không phù hợp trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, kịp thời tổng hợp, đề xuất UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, bổ sung theo quy định.
Chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng được nâng cao; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3/2025 đã có 74.909 hồ sơ được tiếp nhận. Trong đó, đã giải quyết 74.848 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 74.491 hồ sơ, đạt 99,52%.
Công tác tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tiếp tục được duy trì. Trong giai đoạn từ ngày 15/7/2021 đến ngày 31/3/2025, không có đơn thư, phản ánh, kiến nghị nào của tổ chức, cá nhân đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.
Huyện Đam Rông cũng tích cực nghiên cứu, đề xuất giải pháp, mô hình, sáng kiến cách làm hay trong triển khai CCHC. Từ năm 2021 đến nay, huyện Đam Rông 12 sáng kiến về CCHC đã được áp dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả và có khả năng mở rộng áp dụng như: Sáng kiến đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện; Giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn xã Đạ Rsal...
Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nâng cao. Công tác kiểm tra CCHC, kiểm tra đột xuất thực hiện công vụ được thực hiện thường xuyên với 27 lượt đơn vị (13 lượt các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, 14 lượt cấp xã) đã góp phần nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, công tác chuyên môn của cán bộ, công chức và tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận với mạng internet và các ứng dụng số phục vụ đời sống.
Trong những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng đầu tư và phát triển cơ sở dữ liệu và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử. Nổi bật là việc đã sớm xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để quản lý dữ liệu tập trung của các các cơ quan, đơn vị và UBND các xã. Đầu tư hệ thống đường truyền internet tốc độ cao phục vụ Bộ phận Một cửa giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo kịp thời...
Ngoài các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh đem lại năng suất, hiệu quả cao. Hoạt động thanh toán trực tuyến được mở rộng, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh, dịch vụ chủ yếu thanh toán trực tuyến, cung cấp mã QR để thuận tiện cho khách hàng thanh toán các dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. 100% cơ sở kinh doanh sử dụng các kênh mạng xã hội để kinh doanh, quảng bá sản phẩm.
Từ một huyện khó khăn, vùng xa, xuất phát điểm thấp, sau nhiều nỗ lực, cố gắng trong những năm qua, Chỉ số CCHC huyện Đam Rông đã đạt được những kết quả tích cực rõ rệt, năm 2021 xếp thứ 9/12 huyện thành phố, năm 2022 xếp thứ 5, năm 2023 xếp thứ 7 (năm 2024 chưa có kết quả đánh giá).
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong công tác CCHC ở Đam Rông hiện nay là một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về năng lực. Tại cấp xã, một số công chức chuyên môn gặp vướng mắc, lúng túng trong thực hiện các thao tác khai thác, tra cứu dữ liệu trên Hệ thống dữ liệu dân cư để phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC, chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực đất đai. Hạ tầng truyền dẫn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ, trình độ của người dân hạn chế dẫn đến việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn...
Thời gian tới, công tác CCHC vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương này thực hiện phù hợp với việc mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp như hiện nay.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/dam-rong-qua-5-nam-thuc-hien-cai-cach-hanh-chinh-d5066bb/
Bình luận (0)