Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng sau Thông tư 29: Làm sao quản lý hiệu quả?

Khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14.2, số cá nhân xin đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm tăng về số lượng, nhất là ở những thành phố lớn.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên04/04/2025

Tăng số trung tâm có chức năng dạy thêm

Cuối tháng 3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp và thực hiện Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm. Trao đổi ở hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ khi Thông tư 29 có hiệu lực, số trung tâm có chức năng dạy thêm tăng rất nhiều, ước tính có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh có liên quan đến dạy thêm được thành lập. Tương tự, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết số lượng đơn vị dạy thêm, học thêm ở hộ kinh doanh cá thể là hơn 10.000.

Đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng sau Thông tư 29: Làm sao quản lý hiệu quả? - Ảnh 1.

Khi Thông tư 29 có hiệu lực, số lượng trung tâm có chức năng dạy thêm tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn

ảnh: Nhật Thịnh

Theo Sở GD-ĐT Bắc Ninh, khi triển khai thực hiện Thông tư 29 Sở đã phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm. Đến nay, toàn tỉnh có 923 tổ chức, cá nhân đã đăng ký, trong đó, 673 doanh nghiệp và 250 đơn vị trực thuộc. Có 1.063 giáo viên đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường, nhiều nhất là giáo viên THCS (685 người), có 378 giáo viên THPT.

Cần quy định cụ thể về điều kiện được cấp giấy chứng nhận dạy thêm

Như vậy với Thông tư 29, nếu cá nhân có đủ điều kiện dạy thêm đúng quy định thì việc đăng ký theo hộ kinh doanh khá thuận tiện. Tuy nhiên việc đăng ký cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh nếu quá dễ dàng cũng sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ đó là làm thế nào để kiểm soát an toàn, phòng chống cháy nổ, cơ sở vật chất, diện tích phòng học, nội dung kế hoạch giảng dạy, bàn ghế ngồi… ở những lớp dạy thêm hộ gia đình.

Được biết cô N.T.M.A là giáo viên dạy toán THCS (đã nghỉ hưu) có uy tín, thương hiệu ở H.Diên Khánh, Khánh Hòa. Sau khi nghỉ hưu cô có mở lớp dạy thêm ở nhà với số lượng 100 học sinh cho 4 lớp. Cô tận dụng phòng khách để dạy nên phòng học không đảm bảo diện tích tối thiểu, bàn ghế không đồng bộ đúng quy cách, không có bình chữa cháy và cô cũng chưa được tập huấn phòng chống cháy nổ…. Do vậy khi có Thông tư 29 cô lo ngại không đủ điều kiện để xin đăng ký kinh doanh hộ gia đình để dạy thêm. Thế nhưng chỉ sau 5 ngày nộp đơn cô được phòng tài chính - kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mà không phải bị kiểm tra các điều kiện để được phép kinh doanh như cô lo nghĩ.

Điều này dẫn đến việc một số giáo viên nhờ người thân quen phần lớn là giáo viên đã nghỉ hưu đứng ra xin đăng ký cấp giấy phép kinh doanh hộ gia đình một cách hợp pháp, hợp thức hóa việc dạy thêm. Thực tế hiện nay cũng đã xuất hiện dịch vụ "Xin giấy phép kinh doanh" cho thầy cô muốn dạy thêm với lệ phí tầm 1 triệu đồng, góp phần tăng số lượng đăng ký kinh doanh như nói trên.

Từ thực tế trên, Bộ GD-ĐT, UBND huyện cần có quy định cụ thể về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về dạy thêm, học thêm. Đó là hộ kinh doanh phải đảm bảo về diện tích phòng học/số học sinh; hệ thống phòng chữa cháy theo quy định; bàn ghế ngồi đúng quy cách; hệ thống ánh sáng; kế hoạch dạy học; kế hoạch bài dạy; thời gian và thời lượng tiết dạy, khung kinh phí…

Đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng sau Thông tư 29: Làm sao quản lý hiệu quả? - Ảnh 2.

Sau giờ học thêm tại một trung tâm văn hóa ngoài giờ khi Thông tư 29 có hiệu lực

ảnh: Nhật Thịnh


Phải có tiền kiểm, hậu kiểm; tránh "phép vua thua lệ làng"

Khi cá nhân đảm bảo đầy đủ yêu cầu theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Thông tư 29 với tinh thần không cấm dạy thêm nhưng cần đưa dạy thêm ngoài nhà trường vào nền nếp và cần được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chỉ khi đưa dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm mới chịu sự quản lý toàn diện và tuân thủ đầy đủ thủ tục pháp lý về thực hiện quyền và nghĩa vụ kinh doanh. Còn hiện nay với Thông tư 29, chỉ cấp giấy phép kinh doanh hộ gia đình về dạy thêm nên việc quản lý không dựa trên những quy định của một ngành kinh doanh có điều kiện theo luật Kinh doanh. Chính điều này dẫn đến việc phòng tài chính - kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không cần phải tiền kiểm hay hậu kiểm.

Với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không cần phải tiền kiểm hay hậu kiểm của cơ quan có thẩm quyền sẽ dẫn đến quyền lợi của học sinh học thêm tại các hộ kinh doanh có phép cũng không được đảm bảo.

Để việc dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 là cần thiết hợp lý, công bằng về quyền học tập của học sinh, quyền và nghĩa vụ dạy thêm (quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế của công dân) của thầy cô. Điều có ý nghĩa quan trọng nhất là việc thực thi Thông tư 29 cần phải quyết liệt, quyết làm, bàn làm không bàn lùi và được kiểm tra giám sát tránh việc "phép vua thua lệ làng", nơi làm nơi không, địa phương làm quyết liệt địa phương làm đối phó.

Bộ GD-ĐT sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới hy vọng việc quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu quả nếu chúng ta không cấm dạy thêm và học thêm.



Nguồn: https://thanhnien.vn/dang-ky-kinh-doanh-day-them-tang-sau-thong-tu-29-lam-sao-quan-ly-hieu-qua-185250404091852908.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm