Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đánh thức tiềm năng văn hóa các dân tộc thiểu số

Việt NamViệt Nam17/04/2025

Văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) là bộ phận không thể tách rời, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn khơi dậy tiềm năng quý báu để phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH toàn diện vùng DTTS.

Bình Liêu tổ chức không gian trình diễn và giới thiệu văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng năm 2024.
Bình Liêu tổ chức không gian trình diễn và giới thiệu văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng năm 2024.

Là địa phương có trên 96% dân số là đồng bào DTTS, huyện Bình Liêu với bề dày lịch sử hàng trăm năm đã hình thành nên một kho tàng văn hóa độc đáo. Mỗi dân tộc nơi đây đều có tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán và lễ hội riêng biệt, độc đáo, góp phần tạo nên một Bình Liêu đa sắc màu văn hóa. Việc phục dựng và tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống như Lễ hội đình Lục Nà, Ngày hội Kiêng gió, Hội Soóng Cọ, cùng những lễ hội mới như Hội hoa Sở, Hội Mùa vàng, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu… đã trở thành điểm nhấn trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Trên nền tảng văn hóa truyền thống, Bình Liêu đã từng bước xây dựng những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, như: Bóng đá nữ người Sán Chỉ, tour du lịch khám phá Then Bình Liêu, hay các homestay mang kiến trúc truyền thống cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm đời sống người dân bản địa... Qua đó, góp phần định vị thương hiệu du lịch của địa phương.

Không chỉ Bình Liêu, nhiều địa phương khác như Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Tiên Yên, Móng Cái… cũng tích cực triển khai các mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào DTTS. Tiêu biểu có thể kể đến khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm (TP Hạ Long), làng văn hóa người Dao Thanh Y (TP Uông Bí)…

Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội, ngày hội văn hóa truyền thống được tổ chức thường xuyên đã góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch các địa phương, như: Lễ hội Bàn Vương, Lễ hội đình Làng Dạ của huyện Ba Chẽ; Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Lễ hội Đồng Đình, Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Tày, xã Phong Dụ của huyện Tiên Yên; Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu huyện Vân Đồn….

Không gian sinh hoạt dân tộc Sán Chỉ trưng bày tại Nhà Văn hóa dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên).
Không gian sinh hoạt dân tộc Sán Chỉ trưng bày tại Nhà Văn hóa dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên).

Tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại 4 làng DTTS, gồm: Làng người Tày ở Bản Cáu (xã Lục Hồn) và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù (xã Húc Động) của huyện Bình Liêu; làng người Dao Thanh Y ở thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái); làng người Sán Dìu ở xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Trong đó, Làng Văn hóa - Du lịch dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2024. Các địa phương còn lại cũng đang tích cực lập quy hoạch, phục dựng nhà ở, làng nghề, nghi lễ, lễ hội, các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn văn hóa, đồng thời tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến.

Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa của các DTTS trên địa bàn được xếp hạng đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khơi dậy tiềm năng cho phát triển du lịch, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ; nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cô của người Sán Dìu; tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; Lễ mừng cơm mới của người Tày. Trong đó, có di sản Then của người Tày Quảng Ninh là một trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc, Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Tuyến (Phòng VHTT huyện Ba Chẽ)
Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc, Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Tuyến (CTV)

Nhằm tiếp tục khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, xác định việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch là một trong số các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay trong năm 2025.

Bảo tồn văn hóa các DTTS không chỉ góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hoá, con người Quảng Ninh mà còn là nguồn tài nguyên quý báu cho phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Duy Khoa


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm