BHG - 51 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) của tỉnh là minh chứng sinh động cho sự phát triển đồng bộ về kinh tế, cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, sau ánh hào quang là thách thức không nhỏ trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Bởi, chỉ có 9,8% trong số đó còn đạt đủ 19 tiêu chí NTM; nhiều xã giảm sâu, đứng trước nguy cơ mất chuẩn, thậm chí có huyện kề cận “trắng” xã NTM.
Kỳ 1: Miền quê bừng sức sống mới
NTM không chỉ là chủ trương mà đã trở thành nhịp sống thường ngày tại mỗi miền quê nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Khi “Ý Đảng – lòng dân” quyện hòa, những vùng quê nghèo một thời nay vươn mình trở thành miền quê đáng sống với hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Từ quyết sách đúng…
Sản phẩm Cốm của đồng bào Tày hấp dẫn du khách giữa không gian Chợ Phương Thiện (thành phố Hà Giang). |
Năm 2011, tỉnh ta đồng loạt triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tại 175 xã/11 huyện, thành phố. Song, với đặc thù tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, hành trình xây dựng NTM đối diện không ít thách thức. Tại thời điểm này, bình quân chung toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Việc huy động sự đóng góp từ người dân và doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn, đòi hỏi những giải pháp phù hợp với thực tế.
Với quyết tâm kiến tạo nông thôn giàu đẹp, văn minh, tỉnh đã chủ động, linh hoạt triển khai chương trình xây dựng NTM. Sự chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể trong cách hướng dẫn thực hiện các tiêu chí NTM của các cấp, ngành cùng tinh thần đồng thuận trong Nhân dân đã trở thành nền tảng quan trọng đưa chương trình xây dựng NTM trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, Hà Giang được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về hoàn thiện các văn bản pháp lý để triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Mặc dù có thời điểm T.Ư chưa phân bổ nguồn vốn cho chương trình NTM, nhưng từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh chủ động sử dụng ngân sách địa phương, bố trí 50 tỷ đồng/năm để hỗ trợ xi măng cho 11 huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Quyết sách này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho người dân mà còn khơi dậy tinh thần chủ động, trách nhiệm của cộng đồng. Nhờ đó, Nhân dân tích cực đóng góp ngày công, vật liệu, chung tay làm hơn 1.100 km đường bê tông các loại. Đặc biệt, quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã huy động được hơn 3.366 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, có sự đóng góp của Nhân dân với tổng trị giá 342,3 tỷ đồng. Điển hình như xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang), trong tổng số hơn 5,9 tỷ đồng được huy động để đầu tư xây dựng các công trình công cộng tại địa phương, Nhân dân đóng góp hơn 4 tỷ đồng, chiếm 68,3% tổng nguồn vốn. Bí thư Đảng ủy xã Phương Thiện, Lê Thái Hưng khẳng định: “Sự chủ động của người dân không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư, giúp xây dựng NTM thực chất, bền vững”.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, tỉnh ta không ấn định thời gian hoàn thành số xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch từng năm mà tổ chức thực hiện theo từng nhóm tiêu chí đối với từng xã, đảm bảo đến hết giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành mục tiêu đề ra. Cách làm này đã giúp các địa phương dễ dàng nhận diện khó khăn, chủ động hơn trong thực hiện từng tiêu chí để tập trung nguồn lực một cách hiệu quả, tránh dàn trải; đảm bảo các xã khi được công nhận đạt chuẩn NTM đều bền vững, thực chất, góp phần cải thiện đời sống người dân một cách toàn diện.
Thêm một ấn tượng khác, năm 2024, tỉnh ta đã lựa chọn 2 đơn vị cấp huyện gồm Bắc Quang và Quang Bình để thí điểm áp dụng cơ chế phân cấp quản lý thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: “Đây là bước đi đột phá không chỉ giúp các địa phương phát huy tính sáng tạo, chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện mà còn tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện trong việc định hướng, giám sát chương trình xây dựng NTM. Việc phân cấp hợp lý cũng giúp rút ngắn quy trình, giảm bớt sự phụ thuộc vào cấp tỉnh, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các tiêu chí NTM theo hướng sát thực tế, linh hoạt hơn với điều kiện từng địa phương”.
… Đến thành tựu
Ẩn mình giữa thiên nhiên hùng vĩ của vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) là nơi sinh sống của 68 hộ dân tộc Dao. Qua hơn 1 thập kỷ xây dựng (giai đoạn 2013 – 2024), thôn Nặm Đăm đã đạt 10/10 tiêu chí để trở thành thôn văn hóa du lịch tiêu biểu và cũng là một trong những thôn NTM đầu tiên của huyện Quản Bạ.
Gia đình anh Lý Tà Mười, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) chuẩn bị phòng nghỉ đón khách. |
Sức hấp dẫn của Nặm Đăm không chỉ đến từ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn bởi một cộng đồng gắn kết với những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, từ trang phục truyền thống, ẩm thực đặc trưng, các bài thuốc dân gian quý đến lễ cấp Sắc độc đáo hay nhà trình tường mang đậm hồn cốt kiến trúc người Dao. Toàn thôn có 39 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, mang đến cho du khách trải nghiệm chân thực về cuộc sống của đồng bào Dao. Riêng năm 2024, Nặm Đăm đón trên 21.500 lượt khách trong nước và quốc tế, không chỉ mang lại doanh thu hơn 5,8 tỷ đồng từ du lịch mà còn tạo việc làm ổn định cho 150 lao động. Quá trình xây dựng thôn văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với NTM đã đưa Nặm Đăm chuyển mình mạnh mẽ từ một làng thuần nông trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng, biến bản sắc văn hóa thành tài sản sinh lợi. Năm 2023, thôn vinh dự nhận giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực. Anh Lý Tà Đành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Đăm không giấu được niềm vui: “Hiện nay, trong thôn chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, đời sống Nhân dân đang từng ngày khởi sắc”.
Không chỉ riêng Nặm Đăm, toàn tỉnh đã có 133 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 52 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn được công nhận NTM, trở thành minh chứng cho sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh. Ấn tượng hơn, hành trình xây dựng NTM của tỉnh còn ghi dấu ấn quan trọng khi thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 51/175 xã đạt chuẩn NTM. Mỗi xã đạt chuẩn là một câu chuyện xúc động về sự đồng lòng, nỗ lực vượt khó, huy động sức mạnh nội lực để thay đổi diện mạo quê hương, biến những con đường lầy lội thành tuyến đường khang trang, những thôn nghèo thành làng quê trù phú…
Năm 2014, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) là 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Đến năm 2022, địa phương này tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong khi trở thành xã NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh. Chỉ 2 năm sau, Phương Thiện lại bứt phá ngoạn mục, ghi dấu ấn với danh hiệu xã NTM kiểu mẫu về giáo dục đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó nhiều trường đạt chuẩn mức độ 2 và kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 (cấp độ cao nhất). Bên cạnh đó, xã Phương Thiện cũng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Còn Trung tâm Học tập cộng đồng xã được đánh giá, xếp loại tốt, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao tri thức cho người dân.
Cùng với kết quả trên, xác định phát triển kinh tế nông thôn là nền tảng cốt lõi trong xây dựng NTM, xã Phương Thiện đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62,33 triệu đồng, tăng 14,33 triệu đồng so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,04%, hộ cận nghèo còn 4,38%. Đời sống người dân ngày càng khởi sắc với 99,62% nhà ở đạt tiêu chuẩn kiên cố, 100% dân số được quản lý sức khỏe điện tử, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế đạt 99,3%. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ với 100% tuyến đường xã, thôn, ngõ xóm, nội đồng được cứng hóa, hệ thống điện chiếu sáng đạt trên 50% ở đường xã và gần 90% tại đường ngõ xóm, đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Theo nhận định của nhiều cấp ủy: Xây dựng NTM là một hành trình dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đạt chuẩn chỉ là bước khởi đầu, còn giữ chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí để đảm bảo sự phát triển bền vững mới thực sự là bài toán khó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
-----------
Kỳ 2: Gian nan giữ danh hiệu
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/dat-chuan-nong-thon-moi-thach-thuc-sau-vinh-quang-ky-1-mien-que-bung-suc-song-moi-4045cd7/
Bình luận (0)