Giải thưởng Kovalevskaia được trao tại Việt Nam từ năm 1985, trở thành giải thưởng quốc tế đầu tiên dành riêng cho các nhà khoa học nữ, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của phụ nữ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt trong khoa học tự nhiên-một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế tri thức.
Suốt 40 năm qua, 22 tập thể và 57 nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin… đã được nhận giải thưởng danh giá này. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: “Không chỉ dừng lại ở kết quả tôn vinh, giải thưởng đã có tác động lan tỏa, khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, qua đó thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học-công nghệ, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Tại chương trình Giao lưu các thế hệ nhận Giải thưởng Kovalevskaia trong 40 năm (1985-2025) và trao học bổng Kovalevskaia năm 2025, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo-một trong hai nhà khoa học nữ trẻ tuổi nhất được vinh dự nhận giải thưởng trong lĩnh vực toán học năm 2011 xúc động nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang là Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Giải thưởng là niềm vinh dự, động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh để tôi ngày càng nỗ lực phấn đấu. Năm 2015, tôi trở thành nữ Giáo sư toán học thứ hai của Việt Nam và đến năm 2016, tôi làm Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học. Bản thân tôi tốt nghiệp từ một ngôi trường ở miền núi còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể đạt thành công khi bản thân dám ước mơ, dám theo đuổi. Tôi mong sự cố gắng của mình có thể truyền cảm hứng đến học sinh, đặc biệt là học sinh nữ”.
Các nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia không chỉ đóng góp quan trọng cho nền khoa học nước nhà mà còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, truyền động lực cho nhiều thế hệ nữ trí thức dấn thân vào con đường khoa học.
Còn đối với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ Môi trường, khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thì Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm lớn lao đối với tập thể nữ cán bộ thuộc bộ môn Công nghệ Môi trường. Sau khi nhận giải, các chị tiếp tục triển khai đề tài đã đăng ký. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà nói: “Các dự án mà chúng tôi tập trung đều theo đúng định hướng của nhóm nghiên cứu, đó là tận dụng các công nghệ phù hợp để xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nhằm cung cấp nước sạch cho các vùng khó khăn, khan hiếm về nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay những dự án nghiên cứu về ứng dụng các phần mềm mô phỏng để tối ưu hóa các hệ thống xử lý chất thải hiện có. Chúng tôi cũng tham gia các dự án về phân tích, đánh giá chất lượng môi trường, các thành phần ô nhiễm như: ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm dư lượng kháng sinh hay các thành phần ô nhiễm mới nổi”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm, người được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2000, đã gắn bó cả cuộc đời với cây lúa, tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, đem đến những vụ mùa bội thu. Bà chia sẻ: “Nghề nông ở nước ta luôn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu. Để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, ổn định, cần có các nhà khoa học nông nghiệp yêu nghề, không ngại khó khăn, tìm tòi, phát hiện ý tưởng mới, sáng tạo. Hiện nay, Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học vào mọi lĩnh vực. Các nhà nghiên cứu trẻ hãy tiếp tục nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu đưa nền nông nghiệp nước nhà hội nhập với thế giới”.
Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học nữ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ tại nước ta. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam bày tỏ: “Tôi mong rằng, Giải thưởng Kovalevskaia ngày càng lan tỏa rộng rãi hơn, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nhà khoa học nữ, giúp họ có điều kiện thuận lợi để phát huy hết tiềm năng và đóng góp nhiều hơn cho đất nước".
Nguồn: https://nhandan.vn/dau-an-tri-tue-va-khat-vong-cua-cac-nha-khoa-hoc-nu-viet-nam-post875589.html
Bình luận (0)