Sông Quảng Huế bị biến đổi lòng dẫn phức tạp trong những năm qua là một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bài 1: Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan
Ngay đầu năm 2025, đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện được đắp khẩn cấp sau khi nước mặn từ cửa sông Hàn xâm nhập sâu lên đến trạm bơm Tứ Câu. Mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa tiếp tục xu hướng biến động mạnh do chảy nhiều qua sông Quảng Huế về sông Thu Bồn cũng như chảy qua hệ thống thủy lợi An Trạch.
12 năm, 15 lần đắp đập tạm ngăn sông
Ngày 10-3-2025, tuyến đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện ở hạ lưu trạm bơm Tứ Câu được hoàn thành nhằm giữ nguồn nước ngọt phục vụ tưới cho hơn 1.855ha lúa và cây màu của thị xã Điện Bàn, một phần của thành phố Hội An (Quảng Nam) và phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); đồng thời, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân thị xã Điện Bàn và các khu vực lân cận. Đây là lần thứ 15, tuyến đập tạm giữ ngọt, ngăn mặn này được đắp trong 12 năm qua. Tuy nhiên, việc đắp đập tạm này không những cản trở tuyến đường thủy từ sông Hàn lên sông Thu Bồn, mà còn gây xâm nhập mặn sâu vào sông Cẩm Lệ và khu vực cửa thu nước thô của nhà máy nước Đà Nẵng.
Tương tự, trên sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), trong 12 năm qua, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần phối hợp đắp đập tạm để giảm tỷ lệ phân lưu nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn, nhất là khi nước sông Vu Gia hạ thấp. Nhưng những năm gần đây, sông Quảng Huế bị biến đổi lòng dẫn phức tạp và còn đó tiềm ẩn nguy cơ sông Vu Gia mở cửa sông Quảng Huế mới để nhập lưu với sông Thu Bồn như lũ lịch sử năm 1999. Không những vậy, tình trạng sạt lở bờ sông, biến đổi lòng dẫn của sông Quảng Huế rất phức tạp, đã gây nhiều đợt thiếu nước cục bộ cho hai địa phương.
Mặt khác, những năm qua, do tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, nhất là thủy điện Đăk Mi 4 chuyển gần như hoàn toàn nước sông Vu Gia trong mùa cạn sang sông Thu Bồn để phát điện làm hạ du sông Vu Gia bị nhiễm mặn khốc liệt.
Cùng với đó, do việc điều độ nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia và quy trình vận hành các nhà máy thủy điện còn bất cập cũng như hệ thống thủy lợi An Trạch bị xuống cấp sau hơn 20 năm vận hành, làm mực nước sông Vu Gia và sông Yên, La Thọ thường hay bị hạ thấp cục bộ, gây ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã hai lần hạ thấp lịch sử vào tháng 8-2023, tháng 2-2024. Trong năm 2024, độ mặn của sông Cẩm Lệ lẫn khu vực cửa thu nước thô của nhà máy nước Cầu Đỏ diễn biến cực đoan, duy trì rất cao và liên tục trong 3 tháng, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất ở vùng rau La Hường và các vùng rau, lúa ven sông Yên.
Không chỉ vậy, mực nước sông Yên hạ thấp cũng làm cho mực nước sông Túy Loan hạ thấp theo còn đe dọa nguồn dự phòng cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng, bởi trạm bơm Túy Loan được xây dựng có tính đến cấp nước bổ sung cho nhà máy nước Cầu Đỏ.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) Ngô Văn Nhân cho hay: “Những người dân làm nông nghiệp ở hạ lưu sông Yên và sông Túy Loan hơn 40 năm chưa từng thấy năm nào nguồn nước sông bị nhiễm mặn nặng và kéo dài như năm 2024. Có thể nói là nhiễm mặn lịch sử, độ mặn duy trì cao trong gần 20 ngày đầu vụ hè thu. Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân chính là nguồn nước ngọt từ thượng lưu về ít nên khi triều lên thì mặn xâm nhập lên và nằm sâu ở sông Yên”.
Nhiều thách thức đối với an ninh nguồn nước
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hồng An cho rằng, hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Thách thức đầu tiên là sự phân bố dòng chảy không đồng đều, dưới tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa được dự báo giảm sâu vào mùa khô, làm gia tăng tình trạng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và nông nghiệp.
Sự thay đổi dòng chảy và lòng dẫn của sông khiến mực nước trên sông ngày càng giảm, gây khó khăn cho các công trình khai thác nước ở ven sông. Việc hạ thấp mực nước còn làm suy giảm năng lực lấy nước, nhất là tại các khu vực hạ lưu vào mùa khô. Tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã làm hiện tượng nắng nóng kéo dài, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn đã phá vỡ sự cân bằng của hệ thống tài nguyên nước tại lưu vực. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước mà còn gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản và môi trường. Trong bối cảnh đó, tài nguyên nước của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiện tại và trong tương lai phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết một loạt vấn đề mang tính liên ngành và lưu vực.
Trước những thách thức nói trên, cần có các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước và lũ, chỉnh trị các sông... trong thời gian đến. Cục trưởng Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Tùng Phong nhìn nhận, quá trình chỉnh trị hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã diễn ra trong thời gian dài, riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây cũng rất quan tâm triển khai trong giai đoạn từ năm 1999-2013 và theo dõi, đánh giá những năm sau đó, bởi vì đây là một hệ thống sông rất phức tạp về thủy văn, thủy lực...
Thời gian qua, việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các hồ thủy điện, biến đổi khí hậu... làm cho địa hình, lòng dẫn, chế độ dòng chảy... của sông Vu Gia - Thu Bồn có rất nhiều thay đổi. Điều đó đặt ra bài toán cấp thiết về ổn định nguồn nước kết hợp chỉnh trị sông nhằm giải quyết các vấn đề về tỷ lệ phân lưu nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn, tiêu thoát lũ, bồi lấp, sạt lở... Đồng thời, đánh giá lại tình hình, hiệu quả, hạn chế... của các hệ thống công trình và giải pháp đã được triển khai, cũng như những sự thay đổi nói trên để có giải pháp tổng thể, liên hoàn, linh hoạt, nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát lũ, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
HOÀNG HIỆP
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/dau-tu-cac-cong-trinh-thuy-hien-dai-da-muc-tieu-4004717/
Bình luận (0)