Câu chuyện phát huy giá trị di sản lâu nay hay khái niệm khai thác, phát triển kinh tế di sản được đề cập gần đây là vấn đề nhận được sự quan tâm không nhỏ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Anh (ảnh), Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy tài nguyên văn hoá, Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội. Ông nằm trong số ít chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hoá tham gia Hội thảo "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - Góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh", tổ chức tại Vân Đồn vào cuối tháng 12/2024 vừa qua. |
- Nói kinh tế di sản, chúng tôi hình dung là quy mô của nó phải đạt tới một mức độ nào đó, vậy theo ông thì con số về kinh tế có phải là điều quan trọng nhất không?
+ Khi người ta nói về kinh tế di sản thì bản chất thuật ngữ ấy đã hướng đến vấn đề kinh tế nhiều hơn rồi. Chúng ta biết di sản là những giá trị văn hoá từ quá khứ để lại, các giá trị của di sản lớn hơn vấn đề kinh tế rất nhiều, kinh tế chỉ là một vấn đề của di sản thôi, thành ra con số không phải là thứ duy nhất phản ánh giá trị di sản.
Chúng ta thường hay sử dụng những từ, thuật ngữ không thật sát về ý nghĩa, ví dụ ta hay nói phát huy giá trị, nó không chỉ ra được bản chất vấn đề. Thế giới người ta nói khai thác di sản, và di sản đó có thể được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Bàn về việc di sản đóng góp cho việc phát triển của Quảng Ninh nói chung, chúng tôi đã đề nghị vấn đề đầu tiên là phát triển con người. Quảng Ninh đã đề xuất một hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là Thiên nhiên - Văn hoá - Con người, bản thân di sản là văn hoá cho nên cái quan trọng nhất là văn hoá, cốt lõi là con người, vì vậy điều di sản đóng góp đầu tiên là bồi bổ tâm hồn con người. Cho nên, chúng ta bảo tồn, khai thác, phát huy di sản thì giá trị đầu tiên là để nuôi dưỡng con người, xây dựng con người. Niềm tự hào của con người bắt đầu từ văn hoá, người ta hiểu về cộng đồng, hiểu về các giá trị của mình thì người ta sẵn sàng giới thiệu một cách rất phấn khởi về những di sản ấy.
Đấy là khía cạnh đầu tiên, sau đó mới nảy sinh vấn đề kinh tế. Thật ra thì kinh tế sẽ nảy sinh từ hoạt động văn hoá mà ra, có giá trị về văn hoá thì người ta có tính sáng tạo. Và bây giờ chúng ta đang nói chuyện công nghiệp văn hoá chính là khai thác các giá trị của di sản văn hoá để tạo ra giá trị mới trên nền tảng di sản - các giá trị văn hoá mà các thế hệ trước để lại cho chúng ta.
Chúng ta có thể nói về du lịch dựa vào di sản để khai thác, đó là một nguồn để mà kêu gọi, thu hút khách du lịch đến, đấy là kinh tế. Vì vậy, nếu như chúng ta chỉ đặt vấn đề khai thác kinh tế di sản ở góc độ con số thôi thì sẽ dẫn đến một vấn đề rất nguy hiểm, đấy là tạo áp lực cho di sản. Di sản là giá trị từ quá khứ để lại cho nên rất dễ bị tổn thương, nếu muốn đầu tư để nhìn thấy ngay con số là bất khả thi.
Không phải lúc nào chúng ta đầu tư vào di sản cũng có thể nhìn thấy con số. Nếu mà chúng ta đầu tư cho một thiết chế văn hoá, đầu tư cho bảo tồn, trùng tu một khu vực di tích sau 2-3 năm rồi bảo đã đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ vào đấy rồi yêu cầu hàng năm thu được bao nhiêu thì không phù hợp với di sản. Bởi vì đầu tư cho di sản cần có một quá trình lâu dài, kiên trì thì mới mang lại giá trị bền vững. Và khi chúng ta đầu tư như vậy thì không phải chúng ta khai thác trong 1-2 năm mà là từ thế hệ này tới thế hệ khác và cái đầu tiên, cái được nhất là văn hoá cho cộng đồng, cho một khu vực, rồi từ các giá trị đấy sẽ phát sinh ra kinh tế.
- Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, có văn hoá phong phú, vậy theo ông con người cần những gì để đồng hành trong phát triển kinh tế di sản?
+ Tôi nghĩ là có rất nhiều việc phải làm nhưng việc đầu tiên là bản thân mỗi cộng đồng ấy phải được gắn với di sản, thứ hai là họ phải được hiểu về di sản. Đơn cử như với các lễ hội, hiện nay có rất nhiều lễ hội được tổ chức, xu hướng chung trên cả nước chứ không riêng Quảng Ninh là lễ hội càng lớn thì càng bị hành chính hoá, sự tham gia của cộng đồng dần ít đi.
Lễ hội là sự trao truyền, nó cũng bắt đầu từ chính cộng đồng. Lễ hội gắn với di sản chủ yếu là lễ hội truyền thống thì phải bắt đầu từ cộng đồng chứ không thể từ các cơ quan quản lý, cộng đồng người ta phải cộng cảm, cảm nhận được sự linh thiêng và tự nhận thấy trách nhiệm của họ. Vậy thì việc đầu tiên là thông qua tuyên truyền, giáo dục trao truyền các giá trị văn hoá cho cộng đồng, từ cộng đồng ấy mới phát triển được, đấy là việc mà tôi nghĩ là rất quan trọng.
- Vậy làm thế nào để cộng đồng không bị bật ra khỏi guồng của kinh tế di sản?
+ Có nhiều cách nhưng một trong những cách rất quan trọng là họ phải được chia sẻ quyền lợi cũng như trách nhiệm. Khi mà người ta làm về kinh tế di sản thì người ta đánh giá rất cao cái này, tức là tiền - kinh tế sẽ là phép thần để giữ chứ không phải đạo đức hay thứ gì khác. Nếu như người dân cảm thấy họ có giá trị, được tôn trọng, được đặt vào đúng vị trí và được hưởng lợi ích từ việc gìn giữ di sản thì không cần phải tuyên truyền quá nhiều, họ sẽ tự nhận thức và có trách nhiệm bảo vệ di sản.
- Lấy ví dụ như các khu di tích nằm trong quần thể di sản Yên Tử trên địa bàn Quảng Ninh, ông đánh giá người dân đã có đóng góp như thế nào đối với di sản và tiềm năng cho phát triển kinh tế di sản sau này?
+ Đối với các khu di sản này thì chúng ta phải nói tới cộng đồng ở nhiều phía chứ không chỉ người dân bản xứ, như cộng đồng doanh nghiệp đang tham gia vào các hoạt động nữa. Vậy thì tất cả các bên đều phải nhận thức được vai trò của mình.
Quay trở lại quá khứ, phải xem cha ông chúng ta bằng cách nào đã giữ được Yên Tử cho tới bây giờ. Ngày xưa, các nhà nước quân chủ đã giao quyền quản lý cho các địa phương, cho cộng đồng. Như khu di sản nhà Trần thì những người dân được giao trông coi di sản có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ, bảo quản, tế lễ ở các lăng miếu, đổi lại họ sẽ được miễn sưu thuế - đấy là hình thức khuyến khích, gắn với các giá trị tinh thần của họ và bên cạnh đó là được hưởng các giá trị vật chất. Hay là ở Yên Tử, nhà nước cấp cho một số ruộng và người dân canh tác ruộng đó để lấy hoa màu, khai thác để cúng tế, làm các nghi lễ, thậm chí hỗ trợ các vị sư tu hành ở đó.
Bây giờ chúng ta làm thế nào? Chúng ta có các bên tham gia, ở các di tích Yên Tử có sự tham gia của cộng đồng, có các lễ hội, các hoạt động văn hoá tạo ra sinh kế cho họ thì chắc chắn họ sẽ có ý thức rằng cần phải bảo vệ các di sản này, vì nếu họ không bảo vệ thì chắc chắn du khách sẽ không đến nữa và họ mất sinh kế. Rồi doanh nghiệp khai thác ở đó cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, phát huy, tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản thì doanh nghiệp mới có cơ hội để phát triển. Vậy nên các bên tham gia vào kinh tế di sản cần phải thấy rất rõ vai trò nền tảng của di sản, nếu như anh không có trách nhiệm trong việc bảo vệ thì khi mà di tích, di sản mất đi hay bị suy giảm thì sinh kế của anh cũng bị suy giảm.
- Theo ông, vì sao các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà trong việc đầu tư vào khai thác kinh tế di sản, đơn cử như tại khu di sản nhà Trần hay Bạch Đằng thuộc quần thể di sản Yên Tử?
+ Như tôi quan sát thì tôi nhận thấy, đầu tư vào di sản là vấn đề rất khó. Khó ở chỗ muốn khai thác được thì trước tiên phải bảo vệ di sản, đầu tư cho việc nghiên cứu và đánh giá giá trị di sản. Đấy là quá trình mà trước tiên trách nhiệm phải thuộc về đầu tư công, Nhà nước phải giúp cho việc hiểu rõ, làm rõ di sản. Khi mà doanh nghiệp tham gia vào thì người ta có nền tảng rồi và từ đó người ta chỉ phát triển thêm thôi.
Cái khó thứ hai là đầu tư cho di sản cần sự kiên trì rất là lâu bền và khả năng thu lợi nhuận không thể nhanh như lĩnh vực khác được nên việc thu hút doanh nghiệp tương đối khó khăn. Sau khi Nhà nước đầu tư vào giai đoạn nghiên cứu thì giai đoạn thứ hai là phải có một cơ chế đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực di sản. Chính quyền cũng cần có chính sách phù hợp cho họ chứ không thể áp dụng một cách đơn thuần như các doanh nghiệp kinh doanh khác.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Nguồn
Bình luận (0)