Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương được thành phố quan tâm đầu tư bảo tồn và gìn giữ gần như nguyên vẹn. Trong ảnh: Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê năm 2025. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Đồng thời, phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước và trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Thành ủy, UBND thành phố ban hành các quyết định, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo lãnh đạo công tác xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật nhằm phát huy các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật thành phố mang đặc trưng riêng; khuyến khích tổ chức, phát huy các hoạt động văn học, nghệ thuật gắn với xây dựng con người Đà Nẵng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố, cho hay văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam, khẳng định vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ văn hóa cả nước.
Nhiều tác phẩm, công trình sáng tạo văn học, nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị về nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa thành phố, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Sự quan tâm đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật có ý nghĩa to lớn, quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa thành phố, là động lực, nền tảng, cơ sở lâu bền để tạo đà cho bước phát triển của văn hóa thành phố.
Có thể thấy, phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa là một khía cạnh quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế của một quốc gia hoặc địa phương. Với ý nghĩa to lớn này, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao chú trọng tham mưu đề xuất đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa từ cấp cơ sở đến thành phố, chú trọng tổ chức phát huy hoạt động của các thiết chế một cách hiệu quả nhất để ngày càng thu hút người dân đến vui chơi, tập luyện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân.
Các thiết chế văn hóa mới, mang tính động lực được xây dựng, cải tạo, nâng cấp và hoạt động hiệu quả như: Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Ðà Nẵng. Sở tham mưu UBND thành phố tập trung nguồn lực để đầu tư Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố; trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2); dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; mở rộng nghĩa trủng Phước Ninh… Hầu hết các thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư nâng cấp, cải tạo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nâng tầm các sự kiện, lễ hội
Để góp phần giới thiệu hình ảnh, con người Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước, ngành văn hóa chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan đăng cai, tổ chức các sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế. Sau lần đầu tổ chức năm 2008 và qua 12 lần tổ chức thành công, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) trở thành thương hiệu riêng có của Đà Nẵng, thu hút được đông đảo người dân, du khách.
DIFF đã trở thành sự kiện đưa du lịch Đà Nẵng vươn xa và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, đặc biệt đối với những đội thi pháo hoa đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia lễ hội. Các kỳ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) tổ chức thành công và được đánh giá, định hướng xây dựng là sự kiện điện ảnh uy tín ở châu Á và thế giới, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế - xã hội thành phố và cả nước.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện tầm cỡ quốc tế như cuộc thi dù bay quốc tế, cuộc thi đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016; các nội dung liên quan đến hoạt động văn hóa phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017... giúp Đà Nẵng trở thành một trong những địa điểm được ưu tiên tổ chức những sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế trong những năm gần đây, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước.
Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật, qua đó khuyến khích văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục sáng tạo cũng như tổ chức tốt các hoạt động văn học, nghệ thuật, đưa văn học, nghệ thuật đến với công chúng thành phố. Điển hình là cấp nguồn kinh phí ban đầu để duy trì hoạt động Quỹ hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật thành phố; tăng đầu tư kinh phí để các hội chuyên ngành có điều kiện tổ chức tốt các hoạt động văn học, nghệ thuật và thâm nhập thực tế sáng tác, thành lập hội đồng nghệ thuật của thành phố.
Ban hành chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với một số cá nhân tiêu biểu là nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nhà hát Trưng Vương và nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đặc biệt, năm 2023, sở tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1462/QĐ-UBND về Đề án “Phát triển văn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”; Nghị quyết số 107/2023/NQ-HDND của HĐND thành phố về quy định chế độ hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố đạt danh hiệu, thành tích cao tại các cuộc thi, liên hoan quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, những kết quả thành phố đạt được trên lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua đều xuất phát từ việc luôn giữ vững sự đoàn kết nhất trí, sự nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao, sự đồng thuận xã hội cùng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố. Đây chính là sự vận dụng đúng đắn chủ trương của Đảng vào thực tế của địa phương và giải quyết thỏa đáng yêu cầu quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Đà Nẵng tập trung triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thông qua việc triển khai có hiệu quả đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”. Theo đó, không ngừng phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế với mục tiêu tiếp tục phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa; qua đó vừa quảng bá bản sắc văn hóa Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước, vừa góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa của quốc gia, dân tộc.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202504/dau-tu-phat-trien-van-hoa-xung-tam-4005948/
Bình luận (0)