Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước đối với chính quyền các địa phương, sở, ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương.
Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giúp các địa phương chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH góp phần xây dựng địa phương, Thành phố đáng sống. Ảnh: Chu Kiều
Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước đối với chính quyền các địa phương, ngành, lĩnh vực.
Giai đoạn 2016 - 2022, UBND tỉnh ban hành 21 văn bản phân cấp cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đối với 8 ngành, lĩnh vực gồm Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính.
Trong số 21 văn bản phân cấp của UBND tỉnh, 10 văn bản hết hiệu lực và 11 văn bản còn hiệu lực phù hợp với quy định của pháp luật đối với 7 ngành, lĩnh vực.
Việc phân cấp, phân quyền được thể hiện rõ trong việc phòng chống dịch Covid - 19. Nhiều huyện, thành phố trên địa bàn đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đã giúp các huyện, thành phố chủ động hơn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc xác định giá cũng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, rút ngắn thời gian phê duyệt giá, không ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường thu hồi đất của các dự án.
Việc phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính (CCHC), bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của UBND tỉnh đối với các lĩnh vực phân cấp, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đơn giản hóa, tối ưu hóa thủ tục hành chính (TTHC); cắt giảm TTHC; rút ngắn thời gian giải quyết, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các TTHC nhằm đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo được sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác quản lý, điều hành.
Đã khắc phục được cơ bản các vấn đề chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, phân định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan chuyên môn trong tổ chức thực hiện.
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công và thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một số lĩnh vực khi thực hiện phân cấp đã tạo sự chủ động, linh hoạt cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy tốt hiệu quả quản lý nhà nước như lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, lĩnh vực quản lý vị trí việc làm (100% cơ quan, đơn vị được phê duyệt vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực và đang thực hiện theo quy định mới của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương)…
Việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn là giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác CCHC, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KT - XH trên địa bàn tỉnh.
Nhằm phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của UBND tỉnh cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính Nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu CCHC nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử và hội nhập quốc tế.
Vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39 về thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Theo đó, kế thừa kết quả thực hiện phân cấp giai đoạn 2016 - 2022, thực hiện các nội dung phân cấp được đánh giá hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật hiện hành tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với 7 ngành, lĩnh vực hiện đang thực hiện phân cấp là Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với 7 ngành, lĩnh vực là Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Thông tin và Truyền thông và Y tế tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới văn bản đẩy mạnh phân cấp theo ngành, lĩnh vực đảm bảo đúng với quy định của pháp luật chuyên ngành và tình hình thực tế quản lý nhà nước của địa phương.
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 04 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật về đẩy mạnh phân cấp; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các quy định phân cấp đảm bảo đúng với quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của địa phương.
Trần Tỉnh
Nguồn
Bình luận (0)