Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

ĐBQH hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại các vòng xoay trên cả nước

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất bổ sung nội dung cần ưu tiên khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/05/2025


Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TPHCM thiệt hại 6 tỷ USD/năm, Hà Nội 1 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất bổ sung nội dung cần ưu tiên khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý để các phương tiện đi lại được nhanh chóng thông suốt, qua đó giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Cảnh, nếu giao thông bị tắc nghẽn, mọi người đi xe dùng nhiên liệu gì cũng đều phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn bình thường.

1.webp

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu cho biết theo số liệu thống kê, chỉ riêng TPHCM đã thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm và Hà Nội khoảng 1 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông. Từ đây có thể hình dung lãng phí do ùn tắc giao thông trên cả nước rất lớn, lãng phí về thời gian, tác hại đến sức khỏe và môi trường.

Ông cho rằng điều này đẩy chi phí logistics tăng cao, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu lấy ví dụ về việc tổ chức giao thông rất tốt, mang lại hiệu quả về nhiều mặt tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, quận 1, TPHCM. Cách tổ chức tại vòng xoay này có thể áp dụng hầu hết các vòng xoay bị ùn tắc ở các đô thị trên cả nước bởi giao thông vòng xoay này luôn đông đúc nhưng không xảy ra tắc nghẽn ngay cả vào giờ cao điểm.

Ông cho biết đã quan sát và nhận thấy thay vì để các phương tiện tự do vào, ra khỏi vòng xoay như nhiều vòng xoay khác thì tại đây đã lắp đặt 4 trụ tín hiệu giao thông để điều tiết các phương tiện từ bên ngoài vòng xoay và bên trong vòng xoay có hai vạch dừng nhường đường cho các phương tiện.

Theo ông Cảnh, như vậy thay vì để hàng trăm phương tiện tự do di chuyển, bây giờ các phương tiện được chia thành 6 khối. Trung tâm điều khiển có thể dễ dàng điều khiển 6 khối phương tiện này thông qua tín hiệu đèn để không xảy ra quá tải trong vòng xoay, không tắc nghẽn giao thông từ bất kỳ hướng nào, giúp hạ tầng xung quanh khu vực được sử dụng hiệu quả.

Vị đại biểu cho rằng điều này đã giúp cho hàng chục nghìn phương tiện giao thông đi qua vòng xoay này mỗi ngày không bị tắc, mang lại lợi ích rất lớn về thời gian, sức khỏe, năng lượng và hoạt động của trung tâm quận của thành phố.

Cho rằng mô hình này có thể áp dụng tại vòng xoay Dân chủ tại quận 10 của TPHCM và từ ví dụ trên, ông Cảnh đề nghị bổ sung quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, quy định quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng sẽ bổ sung một nội dung tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước có ý tưởng, giải pháp giảm ùn tắc giao thông khả thi có thể triển khai tại nhiều địa phương, không trùng với các nhiệm vụ chi từ ngân sách Nhà nước, theo ông Cảnh.

"Không để doanh nghiệp leo núi một mình mà thiếu dây thừng"

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết, có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới, theo ông Tuấn.

2.webp

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).

Nhấn mạnh xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay, đại biểu dẫn chứng theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngành xây dựng chiếm hơn 36% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu và trên 40% lượng phát thải CO2. Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng các công trình được dùng cho điều hòa và chiếu sáng, chủ yếu do sử dụng vật liệu kém hiệu quả.

Nêu thực tế "mặc dù ngoài trời rất rét nhưng bên trong tòa nhà sử dụng kính vẫn mở máy lạnh", đại biểu Tuấn cho rằng nếu dùng kính cách nhiệt tốt, có dán nhãn năng lượng chuẩn, vừa tiết kiệm điện vừa tránh lãng phí tiền, trong đó có tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.

Nhấn mạnh thế giới đã đi trước chúng ta khá xa, đại biểu cho biết châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... đã áp dụng dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng từ lâu, việc này không chỉ góp phần tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, khi triển khai quy định này tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn như thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu, số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít hay chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu", đại biểu nhìn nhận.

Từ thực tế, đại biểu đề xuất khi dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, Chính phủ cần ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện như kính xây dựng, vật liệu cách điện, vật liệu xây dựng…

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, cấp chứng nhận...

"Chúng ta không để doanh nghiệp leo núi một mình mà thiếu dây thừng", đại biểu nói.

Ông cũng đề nghị quy định ứng dụng QR-code trong sản xuất loại vật liệu này để truy xuất nhãn hiệu năng lượng, giúp người tiêu dùng có thể hiểu được sản phẩm mình đang dùng tốt đến đâu, đồng thời có cơ chế hậu kiểm mạnh mẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, từ đó thúc đẩy ngành xây dựng phát triển bền vững, tiết kiệm và văn minh.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/dbqh-hien-ke-giam-un-tac-giao-thong-tai-cac-vong-xoay-tren-ca-nuoc-20250528121952890.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm