Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Đế chế số 9' Scandinavia quét sạch bóng đá Anh

Premier League đang chứng kiến làn sóng tiền đạo Scandinavia khuấy đảo. Vì sao Na Uy, Thụy Điển lại sản sinh ra những sát thủ số 9 trong khi bóng đá Anh lâm cảnh khan hiếm?

ZNewsZNews28/07/2025

Haaland đang tung hoành Premier League.

Arsenal vừa gây sốt thị trường chuyển nhượng với bản hợp đồng trị giá 64 triệu bảng dành cho Viktor Gyökeres - chân sút đã ghi 54 bàn sau 52 trận cho Sporting Lisbon mùa trước. Trong khi đó, Alexander Isak, người bạn đồng hương từng sát cánh với Gyökeres ở tuyển Thụy Điển, đang được Liverpool theo đuổi với mức giá có thể lên tới 150 triệu bảng.

Song song, Erling Haaland vẫn là cỗ máy ghi bàn không thể ngăn cản của Manchester City. Khi bóng đá Anh chật vật tìm người kế thừa Harry Kane, câu hỏi đặt ra là: Vì sao Scandinavia - khu vực vốn không được xem là “trái tim” của bóng đá thế giới - lại liên tục sản sinh những tiền đạo thượng hạng?

Từ sân bóng ngoại ô đến Premier League

Câu chuyện của Gyökeres và Isak bắt đầu từ những trận đấu lạnh lẽo tại giải U19 Thụy Điển cách đây gần một thập kỷ. Họ không có nền tảng hoành tráng như những tài năng trẻ ở học viện Anh, chỉ là những chàng trai 16-17 tuổi chơi bóng trong bối cảnh cơ sở vật chất khiêm tốn. Thế nhưng, chính môi trường đó đã tạo ra những số 9 có bản năng sát thủ - thứ mà bóng đá Anh đang thiếu.

Trong khi Gyökeres chọn lộ trình bền bỉ qua Brighton, Coventry rồi đến Sporting Lisbon trước khi tỏa sáng, Isak từng đi qua Dortmund, Willem II, Real Sociedad và nay là trụ cột của Newcastle. Họ có điểm chung: không vội vàng chen chân vào những CLB hàng đầu khi còn quá trẻ, mà từng bước hoàn thiện kỹ năng, rèn thể lực và sự lì lợm - điều ít thấy ở những cầu thủ trẻ Anh, vốn bị đẩy lên ánh đèn sân khấu quá sớm.

Bóng đá Bắc Âu đang trải qua một giai đoạn bùng nổ hiếm có. Bên cạnh Gyökeres và Isak, Na Uy còn sở hữu Haaland và Alexander Sørloth - người vừa có mùa giải xuất sắc cùng Atletico Madrid. Wolves hiện có Jørgen Strand Larsen, một tiền đạo đang lên. Đan Mạch cũng góp phần với Rasmus Højlund (MU) và lứa cầu thủ trẻ giàu tiềm năng như William Osula hay Chido Obi.

Premier League,  bong da Anh anh 1

Gyökeres vừa gia nhập Arsenal.

Sự nở rộ này không phải ngẫu nhiên, mà đến từ triết lý đào tạo khác biệt. Bryan King - huyền thoại tuyển trạch ở Scandinavia - từng thẳng thắn: “Ở Anh, các học viện biến cầu thủ trẻ thành những cỗ máy chuyền bóng, chơi an toàn. Còn tại Na Uy hay Thụy Điển, nếu một đứa trẻ thích ghi bàn, họ để nó được là chính mình, thoải mái va chạm và bùng nổ”.

Leif Smerud, cựu HLV U21 Na Uy, gọi đây là “sự tự do trong đào tạo”. Thay vì bắt cầu thủ trẻ phải đi theo những “pattern” khắt khe như các học viện Anh (một dạng “Pepification”), họ để cho cầu thủ tự khám phá bản năng chơi bóng - điều sống còn với một trung phong.

Bóng đá Anh đang thiếu điều gì?

Khi Theo Walcott thốt lên: “Tại sao chúng ta không thể tìm ra số 9 mới?”, anh không chỉ nói về sự vắng bóng tiền đạo cắm đích thực, mà còn ám chỉ sự thất bại của hệ thống đào tạo. Premier League có vô số cầu thủ chạy cánh tốc độ, số 10 sáng tạo, nhưng trung phong? Gần như trống rỗng.

Điều này bắt nguồn từ sự “công nghiệp hóa” bóng đá trẻ ở Anh. Các HLV chú trọng chiến thuật, kiểm soát bóng và sự đa năng, thay vì mài giũa kỹ năng dứt điểm - đặc sản của một số 9 thực thụ. Ở nhiều đội trẻ, thậm chí các buổi tập thiếu vắng... khung thành, vì lo ngại chấn thương. Kết quả: họ tạo ra cầu thủ thông minh về chuyền - chạy, nhưng thiếu bản năng sát thủ.

Một yếu tố văn hóa không thể bỏ qua là ảnh hưởng từ Zlatan Ibrahimovic. Trong khi văn hóa Bắc Âu nổi tiếng với sự khiêm tốn, Zlatan lại mang “cái tôi” lớn, tự tin và thậm chí ngạo nghễ. Điều này đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ. Haaland từng thừa nhận Zlatan là thần tượng, Isak cũng được so sánh như “Ibra mới”.

Cái “ngông” của Zlatan, kết hợp với đạo đức tập luyện khắt khe - một giá trị đặc trưng của vùng Scandinavia - tạo ra những trung phong vừa có cá tính, vừa có ý chí thép. Đây là điều bóng đá Anh hiện nay hiếm thấy.

Premier League,  bong da Anh anh 2

Isak có mùa giải 2024/25 bùng nổ.

Việc Arsenal sở hữu Gyökeres không chỉ là bản hợp đồng trị giá 64 triệu bảng, mà còn là thông điệp rõ ràng: họ cần một “cỗ máy ghi bàn” đúng nghĩa, thay vì trông chờ vào những cầu thủ chạy cánh hoặc số 10 hoán đổi vị trí. Nếu Liverpool thành công với Isak, Premier League sẽ chứng kiến màn so tài của hai trong số những trung phong xuất sắc nhất Bắc Âu ngay mùa tới.

Newcastle, vì luật tài chính (PSR), đang chịu sức ép phải bán. Dù Eddie Howe muốn giữ Isak, mức lương 300.000 bảng/tuần và cơ hội khoác áo đội bóng tranh vô địch như Liverpool có thể khiến tiền đạo Thụy Điển đổi ý.

Điều nghịch lý là bóng đá Anh từng là cái nôi của những “số 9 huyền thoại” như Alan Shearer, Michael Owen hay Wayne Rooney, nhưng hiện nay lại tụt hậu. Trong khi đó, những quốc gia với dân số ít hơn nhiều - như Na Uy hay Thụy Điển - lại thống trị thị trường tiền đạo.

Lý do? Scandinavia khuyến khích “chơi bóng như trẻ con”, không bó buộc sáng tạo, tạo môi trường cho cầu thủ trẻ ra sân từ 16-17 tuổi ở giải quốc nội. Tại Anh, những tài năng trẻ cùng lứa tuổi phải chờ đợi, bị kìm hãm bởi những ngôi sao nước ngoài và áp lực thành tích.

Nếu muốn tạo ra thế hệ tiền đạo mới, bóng đá Anh cần thay đổi tư duy đào tạo, khôi phục “bản năng săn bàn” thay vì chỉ sản xuất cầu thủ kỹ thuật. Câu chuyện của Gyökeres, Isak hay Haaland không chỉ là thành công của Scandinavia, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho Premier League: Số 9 không thể được “lập trình” - họ phải được nuôi dưỡng bằng tự do, bản năng và cả những giấc mơ từ sân bóng nhỏ.

Nguồn: https://znews.vn/de-che-so-9-scandinavia-quet-sach-bong-da-anh-post1572033.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm