Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để đất Quảng luôn “Chưa mưa đà thấm”…

Ngày 6-11-1996, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Gần 30 năm sau, ngày 12-6-2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV cũng thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 4 “cặp đôi” được cùng nhau trở về “ngôi nhà chung” hồi cuối năm 1996; trong đó tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cùng nhau trở về “ngôi nhà chung” với tên gọi mới là thành phố Đà Nẵng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng02/07/2025

z6757107274588_383ab83c2d8595099ac246f83af3ea1f.jpg
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: VĂN THỌ

Đương nhiên cái mới của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này không chỉ thể hiện qua tên gọi mới, thực ra vẫn là tên gọi của một trong hai hoặc ba tỉnh/thành phố được hợp nhất, mà còn thể hiện qua mô hình chính quyền địa phương hai cấp - đi đôi với việc kết thúc nhiệm vụ lịch sử của chính quyền địa phương cấp huyện và nhất là còn thể hiện qua thực tế mở rộng dư địa phát triển cả về không gian địa lý lẫn không gian văn hóa.

Chính thực tế mở rộng dư địa phát triển cả về không gian địa lý lẫn không gian văn hóa đã buộc người Đà Nẵng sau hợp nhất phải không ngừng suy nghĩ về cách làm thế nào để đất Quảng (Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là thành phố Đà Nẵng mới) luôn “chưa mưa đà thấm”, được hiểu là luôn nhạy bén với cái mới và với những đổi thay…

1. Chỉ xét riêng việc mở rộng dư địa phát triển cả về không gian địa lý lẫn không gian văn hóa trong cuộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này, có thể nói thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất có rất nhiều lợi thế.

Chẳng hạn, để phát triển theo tư duy hướng biển, nói theo cách của vua Minh Mạng hồi năm 1837 là tư duy Vọng-Hải-đài, trong số các tỉnh mới hợp nhất, chỉ có tỉnh Quảng Trị, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Cà Mau và thành phố Đà Nẵng là được hợp nhất toàn các địa phương duyên hải, ít nhiều đều có làng chài và có ngư dân.

Chính lợi thế này sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng sau hợp nhất phát huy được công năng của từng cây số bờ biển, của từng cảng nước sâu... phục vụ kinh tế biển. Không phải ngẫu nhiên mà ở Đà Nẵng, ngoài đặc khu Hoàng Sa còn có hai xã đảo Tân Hiệp và Tam Hải vẫn được giữ nguyên địa giới cùng tên gọi...

Nhạy bén với cái mới và với những đổi thay là phải nghĩ cách kết nối hai xã đảo Tân Hiệp và Tam Hải với các điểm đến du lịch khác trong toàn thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất, chẳng hạn với hòn Sơn Trà Con nằm ngay cửa vịnh Đà Nẵng, thông qua các tour tuyến du lịch đường biển hấp dẫn khách thập phương.

Và không chỉ kết nối các thực thể địa lý trên biển, luôn nhạy bén với cái mới và với những đổi thay còn đòi hỏi phải nghĩ cách kết nối các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến biển, chẳng hạn kết nối lễ hội cầu ngư với tất cả làng chài ven biển Đà Nẵng sau hợp nhất trên cơ sở Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016; hay ngược lại kết nối hát bả trạo với tất cả làng chài ven biển Đà Nẵng sau hợp nhất trên cơ sở hát bả trạo Quảng Nam được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013...

Hay nghề làm nước mắm Nam Ô được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019 cũng rất cần được kết nối với nghề làm nước mắm Hà Quảng, nghề làm nước mắm Cửa Khe và nghề làm nước mắm Tam Thanh…

Khi cùng nhau trở về “ngôi nhà chung” mang tên mới là thành phố Đà Nẵng, người Đà Nẵng sau hợp nhất cũng có nhiều lợi thế trên hành trình đô thị hóa. Gần ba mươi năm “ra riêng” để cùng phát triển, tỉnh Quảng Nam trước hợp nhất đã đô thị hóa rất thành công ở thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ cũng như ở thị xã Điện Bàn cùng nhiều huyện lỵ khác như Ái Nghĩa, Nam Phước, Hà Lam…

Đà Nẵng trước hợp nhất đã hết sức quan tâm gầy dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, nhiều lần chọn “Văn hóa văn minh đô thị” làm chủ đề năm và có hẳn một chương trình khuếch trương thương hiệu “Thành phố có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Giờ đây, khi dư địa phát triển được mở rộng cả về không gian địa lý lẫn không gian văn hóa, Đà Nẵng sau hợp nhất cần tập trung cao độ để tiếp tục một mục tiêu không hề đơn giản là gầy dựng Đà-Nẵng-lối-sống-thị-dân.

Trong quá trình hình thành nếp sống thị dân, người Đà Nẵng sau hợp nhất bên cạnh việc sống sâu theo những cung cách mới, những nhịp điệu mới, còn phải cố gìn giữ nhiều gốc rễ chân quê đẹp đẽ đáng yêu, như là ý thức cố kết cộng đồng - họ hàng dòng tộc chín đời chưa rời nhau ra, hay tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau; đồng thời nếp sống thị dân phải không ngừng vượt lên sức ì cố hữu của nếp sống nông dân để nhanh chóng thích nghi với nhịp sống công nghiệp.

z6757106244996_fc160f653a3ae224f4b3699708aacaa1.jpg
Giao lưu văn hóa tại Hội An. Ảnh: VĨNH LỘC

2. Trên tiến trình Quảng-Nam-mở-cõi, người Đà Nẵng luôn coi trọng việc giao lưu văn hóa với thế giới, sẵn sàng chấp nhận, thậm chí tôn trọng cái khác mình, không kỳ thị với những khác biệt về văn hóa. Trước ngưỡng cửa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đà Nẵng sau hợp nhất càng phải ra sức hội nhập văn hóa quốc tế hai chiều: Một mặt nỗ lực chọn lọc để tiếp biến những tinh hoa văn hóa của các nước, tích cực quảng bá hình ảnh Công viên APEC có một không hai ở nước ta cùng các di sản văn hóa thế giới như đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn; mặt khác nỗ lực chọn lọc để quảng bá các thành tựu văn hóa, văn nghệ Đà Nẵng ra nước ngoài, chẳng hạn cần tổ chức quảng bá rộng rãi hơn những tiểu thuyết từng đoạt Giải thưởng văn học Đông Nam Á như “Minh sư - chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi” của Thái Bá Lợi, như “Trong vô tận” của Vĩnh Quyền…

Đặc biệt, khi Đà Nẵng có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sê Kông dài 157,4km, cần tăng cường phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng để tiếp tục triển khai mô hình “Kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới” với 35 thôn/10 xã biên giới thuộc Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa cùng 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, đi đôi với việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm thành cửa khẩu chính nhằm tạo điều kiện để phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây II.

Ngoài ra, cũng cần kết nối giữa các cộng đồng cư dân Cơ Tu ở Đà Nẵng với cộng đồng cư dân Cơ Tu ở Huế và cộng đồng cư dân Cơ Tu ở Sê Kông bên kia biên giới thông qua việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan tới sắc tộc Cơ Tu trên địa bàn như nghề dệt thổ cẩm, như múa tâng tung da dá, như nói lý hát lý…

Luôn nhạy bén với cái mới và với những đổi thay nên Đà Nẵng sau hợp nhất rất cần đến năng lực sáng tạo, luôn săn tìm ý tưởng sáng tạo và quan trọng hơn là luôn chung tay nâng tầm những ý tưởng ấy. “Chung tay nâng tầm ý tưởng” là slogan nổi tiếng của Câu lạc bộ Cán bộ trẻ Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Đây cũng là biểu hiện rõ nét của năng lực “chưa mưa đà thấm” của người Đà Nẵng, đồng thời là động lực để người Đà Nẵng sau hợp nhất có thể cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức.

Nguồn: https://baodanang.vn/de-dat-quang-luon-chua-mua-da-tham-3264703.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm

Happy Vietnam
Nụ cười của thời gian
Nụ cười của thời gian