Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để sinh vật cảnh thành ngành kinh tế mũi nhọn

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề sinh vật cảnh tại TP.Quảng Ngãi đang phát triển phù hợp xu hướng bền vững của nông nghiệp đô thị. Song, để sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, người dân cần trợ lực từ phía chính quyền.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi18/04/2025

Hiệu quả kinh tế

Với niềm đam mê sinh vật cảnh, thời gian qua, ông Trần Triệu Vũ (47 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) dày công sưu tầm nhiều cây cảnh nghệ thuật có giá trị cao. Trong đó, có nhiều cây cảnh cổ thụ, với tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

Vườn cây cảnh có giá trị kinh tế cao của ông Trần Triệu Vũ, ở phường 
Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).
Vườn cây cảnh có giá trị kinh tế cao của ông Trần Triệu Vũ, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi).

Tròn 5 năm “bén duyên” với nghề sản xuất, kinh doanh cây cảnh nghệ thuật, ông Vũ cho biết, bình quân mỗi năm, sinh vật cảnh mang lại cho tôi doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, mỗi cây cảnh bán ra có mức giá từ 200 triệu đồng trở lên. “Chọn kinh doanh cây cảnh có phân khúc giá cao nên chi phí chăm sóc cây hằng năm cũng rất lớn. Bình quân mỗi năm, tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Trong đó, thù lao cho những nghệ nhân cắt tỉa cây cảnh khoảng 1 triệu đồng/ngày. Để quảng bá sản phẩm, mỗi năm tôi tham gia khoảng 10 triển lãm sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh. Nghề này là thế, phải chịu đầu tư và dồn vào đó tất cả đam mê, tâm huyết thì mới gặt được thành quả”, ông Vũ bộc bạch.

Gắn bó với nghề sản xuất và kinh doanh cây cảnh nghệ thuật tròn 24 năm, ông Huỳnh Thái Thuận, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) không chỉ sản xuất, kinh doanh cây cảnh nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, mà còn sở hữu các vườn ươm nuôi, trưng bày hơn 500 loại hoa, cây xanh đô thị, cây cảnh trang trí trong nhà, ngoài trời ở phân khúc giá bình dân, với tổng diện tích lên đến 15 nghìn mét vuông. “Tôi vừa chủ động khâu sản xuất, vừa có cửa hàng trưng bày, kinh doanh cây cảnh. Nhờ đó, sản phẩm tôi làm ra đến trực tiếp với người tiêu dùng, không qua khâu trung gian. Thu nhập mang lại từ nghề này không chỉ giúp tôi lo được cho gia đình mình mà còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động”, ông Thuận cho hay.

Nghệ nhân Nguyễn Phương Uyên luôn tạo được dấu ấn nhờ các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật trồng trong các chậu gốm có hình dáng đặc biệt. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân Nguyễn Phương Uyên luôn tạo được dấu ấn nhờ các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật trồng trong các chậu gốm có hình dáng đặc biệt. Ảnh: NVCC

Tận dụng những đồ gốm tưởng chừng bỏ đi để tạo ra nhiều chậu trồng cây cảnh đầy tính nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Phương Uyên (54 tuổi), ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) được giới sinh vật cảnh Quảng Ngãi mệnh danh là “phù thủy” của những mảnh gốm vỡ. Những tác phẩm của nghệ nhân tài năng này khi mang đi “trình làng” tại các triển lãm sinh vật cảnh luôn thu hút sự quan tâm của người yêu thích sinh vật cảnh.

Nói về ưu điểm của nghề sinh vật cảnh, ông Nguyễn Phương Uyên cho rằng, nghề sinh vật cảnh là nghề khá phù hợp với đặc trưng của phố thị - nơi mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Như vườn cây cảnh của tôi, chỉ với diện tích sân thượng khoảng 100m2, song tôi vẫn có thể tận dụng để sản xuất, kinh doanh cây cảnh nghệ thuật. 

Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đang dần chuyển hướng từ phát triển riêng lẻ từng nhà vườn sang gắn kết theo tổ, nhóm, câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp.

Thành viên Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.
Thành viên Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.

Thành lập vào tháng 8/2024, Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi) trở thành nơi để chủ các nhà vườn cây cảnh nghệ thuật giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Chưa đầy 1 năm kể từ khi thành lập, câu lạc bộ từ 40 thành viên đến nay đã phát triển lên 62 thành viên. Thành viên tham gia câu lạc bộ phần lớn đều là chủ các nhà vườn lớn, với giá trị thương mại của mỗi vườn từ 500 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

“Chúng tôi chia sẻ với nhau từ kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh đến nguồn nguyên liệu đầu vào. Qua đó, hỗ trợ nhau phát triển theo hướng ngày càng ổn định, bền vững hơn”, ông Lê Quang Nghĩa, ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), thành viên Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật Thiên Bút, chia sẻ. 

Tương tự, Câu lạc bộ Sinh vật cảnh xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) cũng trở thành nơi gắn kết các nhà vườn, nghệ nhân sinh vật cảnh. Suốt 5 năm qua, câu lạc bộ đã phối hợp với các đơn vị, chủ nhà vườn, nghệ nhân tổ chức triển lãm, trưng bày cây cảnh nghệ thuật.  Qua đó, tạo cơ hội cho chủ các nhà vườn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm.

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật (tháng 2/2025), do Câu lạc bộ Sinh vật cảnh xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) tổ chức.
Triển lãm cây cảnh nghệ thuật (tháng 2/2025), do Câu lạc bộ Sinh vật cảnh xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) tổ chức.

Theo nhiều chủ nhà vườn trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, thời gian qua, nhu cầu sinh vật cảnh trên địa bàn ngày càng tăng cao. Dư địa phát triển của nghề còn nhiều. Để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở kinh doanh sinh vật cảnh, nhất là kinh doanh cây cảnh phải nhập nguyên liệu từ ngoài tỉnh, vì nguồn nguyên liệu tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Sở hữu vườn ươm, nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh của tôi chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường, còn lại tôi phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố khác. Trong khi đó, nhiều loại cây trang trí công trình khá dễ trồng, như cây chuỗi ngọc, cây hoa trang, cây cau, dù nhu cầu thị trường khá lớn, nhưng Quảng Ngãi không đủ nguồn cung. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi nói chung và TP.Quảng Ngãi nói riêng, không thiếu những nông dân cần cù, có sẵn đất vườn để trồng những loại cây này. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu chính quyền địa phương định hướng, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nghề sinh vật cảnh thì người sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh chúng tôi sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương, giảm được chi phí vận chuyển từ nơi khác đến”, chủ một cơ sở kinh doanh sinh vật cảnh tại TP.Quảng Ngãi phân tích.

Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Lâm cho biết, theo rà soát của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, toàn tỉnh có hơn 600 nhà vườn, trang trại sinh vật cảnh, trong đó có khoảng 120 nhà vườn sinh vật cảnh quy mô lớn. Thành phố Quảng Ngãi là địa phương quy tụ nhiều nhất các nhà vườn sinh vật cảnh lớn của tỉnh, với hơn 60 nhà vườn. Sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển theo chiều sâu, mang lại thu nhập cao và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Đây cũng là ngành kinh tế phù hợp với nền nông nghiệp đô thị và sẽ được địa phương quan tâm, thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Ý THU

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/thanh-pho-quang-ngai/202504/de-sinh-vat-canh-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-3b21646/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM
Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm