Nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TPHCM đến năm 2030 và Công bố chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025”, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức vào sáng 3-4, các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, đề xuất các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Qua đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội kết nối với các gói hỗ trợ tài chính, tư vấn đào tạo, kết nối thử nghiệm, hướng tới mục tiêu TPHCM trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu khu vực.
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đã xác định KH-CN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là chiến lược để phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ban hành hơn 10 kế hoạch - chương trình hành động, tổ chức gần 10 hội thảo chuyên đề để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Thành phố mong muốn những người trong cuộc, chuyên gia, nhà khoa học góp ý để TPHCM đi nhanh và có hiệu quả, với mục tiêu trong vòng 5 năm tới, thành phố có số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp đôi (hiện nay đang chiếm 50% so với cả nước), tỷ lệ chi ngân sách của thành phố cho KH-CN chiếm 3% so với tổng chi ngân sách của cả thành phố, tỷ lệ bằng sáng chế của thành phố mỗi năm tăng từ 16-18%.

Dựa vào nền tảng, thế mạnh hiện có, TPHCM đang chọn 3 lĩnh vực để tập trung đột phá, bao gồm: Chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực. Ở lĩnh vực chính sách cần tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn và nhiều chính sách khác để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
“Hiện TPHCM đang có ý tưởng, đề ra chính sách đầu tư khởi nghiệp sáng tạo một cửa. Cụ thể, cá nhân/doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo chỉ cần đến một bộ phận duy nhất để đăng ký tiếp nhận hồ sơ. Bộ phận này sẽ có nhiệm vụ tư vấn, kết nối với tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố để giải quyết các vấn đề, thủ tục liên quan. Đây là một mô hình lớn mà thành phố đang hướng tới, khi triển khai cần tổ chức lại quy trình làm việc, thủ tục hành chính, các quy định liên quan…”, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đóng góp vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Sắp tới, TPHCM cùng với các viện trường sẽ tổ chức mô hình “Đại học khởi nghiệp”, trong đó thành phố sẽ tạo chính sách hỗ trợ, đề ra tiêu chí dẫn dắt; các trường đại học, cao đẳng đóng vai trò vận hành.
Tăng cường hợp tác, đào tạo
Ông Nguyễn Khắc Việt Bách, Giám đốc Quỹ đầu BlockBase, nêu thực trạng các chương trình đào tạo hiện nay ở Việt Nam chưa có khung đào tạo chuyên đề về khởi nghiệp so với các quốc gia phát triển khác trong khu vực, nhất là ở bậc đại học. Do vậy, ông cũng đề xuất, cần tăng cường đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, nhà nước có thể đầu tư nguồn vốn để cấp học bổng cho các trường ĐH, liên kết các trường ĐH nổi tiếng ở quốc tế để đào tạo sinh viên về khởi nghiệp...

“Thành phố cần có chính sách mở cửa nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các starup nước ngoài vào Việt Nam, để nhân lực tại Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, đốt cháy giai đoạn, thúc đẩy hình thành các startup, nhằm tạo ra những sản phẩm dựa trên nền tảng có sẵn”, ông Nguyễn Khắc Việt Bách góp ý.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp nhận định, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 startup mới (tương đương khoảng 300-400 startup/năm) con số này không hề đơn giản. Theo thống kê của BambuUp, số lượng các startup của Việt Nam trong thời gian qua hầu như không có sự thay đổi, do vậy, thành phố cần đánh giá lại nguồn lực tạo ra startup. Trên thế giới, nguồn lực tạo ra startup đến từ cá nhân, viện trường và doanh nghiệp, tuy nhiên startup có chất lượng đa số đến từ các viện trường, doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, bà Nguyễn Hương Quỳnh cho rằng, TPHCM cần thiết lập lại định vị, chiến lược đổi mới sáng tạo rõ nét cho thành phố (là nơi thử nghiệm công nghệ hay là Innovation lab cho một lĩnh vực cụ thể); tạo dựng bệ phóng đủ mạnh, đủ đa dạng cho các startup (chính sách, nguồn vốn); thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đây chính là đơn vị tham gia hỗ trợ và sử dụng các giải pháp, tạo ra thị trường cho startup; tối đa hóa kết nối quốc tế, nhằm thu hút nhân tài từ nước ngoài về Việt Nam…
“Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố thông qua các chương trình liên kết, đào tạo tăng tốc đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Thiết kế các chương trình phát triển, hợp tác quốc tế cho những starup đủ lớn hoặc kết nối các nguồn lực quốc tế cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thành phố”, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở KH-CN TPHCM, trong năm 2024, gói chính sách của Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, đơn vị đã triển khai 2 đợt, tiếp nhận 40 hồ sơ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tuyển chọn 233 dự án (209 dự án tiền ươm tạo/ươm tạo và 24 dự án tăng tốc), tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2024, trên địa bàn thành phố có hơn 2.813 dự án đăng ký qua các cuộc thi/chương trình ươm tạo và dự kiến sẽ hỗ trợ ươm tạo 202 dự án.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/de-xuat-chinh-sach-mot-cua-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-post789020.html
Bình luận (0)