Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 28.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Tại lần sửa đổi này, dự thảo Luật tập trung vào 3 vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay trong thời gian tới.
Một là, bổ sung quy định chuyển tiếp về điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm điều chỉnh được ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực.
Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Ba là, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn có thể xử lý được ngay.
Quy định vai trò của cấp xã trong quy hoạch
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung mới vào dự thảo Luật nhằm thể hiện vai trò của cấp xã trong quy hoạch.
Theo đó, đại biểu đề nghị quy định rõ chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.
Đại biểu cho rằng, việc quy định như trên là cần thiết trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính liền mạch và thực tiễn trong tổ chức thực thi pháp luật.
Đồng thời, đại biểu Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung vào khoản 4, điều 16 dự án Luật quy định về quy trình lập quy hoạch tỉnh, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã, cũng như yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian giao thương, hạ tầng sản xuất của địa phương mình.
"Lâu nay nhiều ý kiến của cấp xã chưa được tích hợp thực chất vào quy hoạch tỉnh dẫn đến bất cập khi triển khai tổ chức thực hiện, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi", đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu.
Đại biểu cũng cho rằng, cấp xã tuy không có quyền quyết định quy hoạch, nhưng lại là nơi trực tiếp quản lý hiện trạng sử dụng đất và dân cư. Nếu không có cơ chế ràng buộc vai trò của cấp xã thì việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ thiếu lực lượng.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn, theo dõi tình hình sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt, định kỳ báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị quy định rõ vai trò của UBND cấp xã trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Ảnh: Quochoi
Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh về cơ quan cấp tỉnh.
Không để xảy ra việc xã chờ tỉnh, tỉnh lại chờ trung ương
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá, quy hoạch có vai trò hết sức đặc biệt trong việc điều phối phân bổ nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Quy hoạch là cần thiết, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc tổ chức bộ máy mới và mở rộng địa giới hành chính.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy chưa có quy định để làm rõ cơ chế phản hồi giữa cơ quan lập quy hoạch và Hội đồng thẩm định. Theo đại biểu, trong thủ tục hồ sơ trình phê duyệt, thẩm định lập quy hoạch có một nội dung là kết luận của Hội đồng thẩm định.
Đại biểu đặt vấn đề, nếu quá trình thực hiện, cơ quan lập kế hoạch không hoàn thiện các nội dung kết luận trên thì sẽ giải quyết ra sao, phản hồi thế nào để trình cấp có thẩm quyền nếu có vướng mắc trong thực tiễn...
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu. Ảnh: Quochoi
Đồng thời, đại biểu cho rằng quy định về lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch được đề cập trong dự thảo Luật chưa đảm bảo khả thi trên thực tiễn. Đại biểu đặt vấn đề, nếu các cơ quan địa phương lấy ý kiến, nhưng các cơ quan Bộ, ngành chủ quản không trả lời thì sẽ giải quyết như thế nào.
"Tôi đề nghị nghiên cứu theo hướng, các cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Nếu quá thời hạn trên mà các cơ quan không trả lời thì xem như đồng ý", đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt.
Theo đại biểu, quy định như trên sẽ tránh xảy ra tình trạng "xã chờ tỉnh, tỉnh lại chờ trung ương, gây lãng phí nguồn lực, mất cơ hội trong vấn đề tiếp nhận các dự án để phát triển kinh tế, xã hội".
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-them-nhiem-vu-cho-ubnd-cap-xa-trong-to-chuc-thuc-hien-quy-hoach-1513984.ldo
Bình luận (0)