Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dệt những sợi vàng: Đoàn Phú Tứ say sách giữa hè 'nóng chảy mỡ'

Cái sự mê đọc của các văn nhân thi sĩ mặc thời gian, không gian, kể ra thật hằng hà sa số, chẳng kém gì trường hợp Phạm Ngũ Lão thời Trần trước khi thành danh tướng, vì mải nghĩ việc nước mà ngồi đan sọt bên đường, bị quân lính dẹp đường đâm giáo vào đùi cũng không hay biết.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên25/04/2025

Đọc quên không gian, thời gian

Khi viết Ba phút sự thật, nhắc đến Đoàn Phú Tứ, nhà văn Phùng Quán còn giữ ấn tượng về người bạn văn thơ của mình khi có lần đến bãi An Dương ngoài đê sông Hồng thăm bạn: "Năm đó nhà thơ đã ngoài 70 tuổi. Nắng hè thiêu đốt nóng đến ngạt thở. Tôi thật sự kinh khiếp khi thấy ông tóc bạc trắng, cởi trần, thản nhiên ngồi đọc sách trên bức phản gỗ mọt, mặc cho mồ hôi chảy đầm đìa trên mặt, trên lưng, giọt giọt từ chòm râu xuống những trang Ngôi nhà búp bê của Íp-xen [Henrik Ibsen]".

Dệt những sợi vàng: Đoàn Phú Tứ say sách giữa hè 'nóng chảy mỡ'- Ảnh 1.

Chân dung nhà thơ Đoàn Phú Tứ

ẢNH: NHIẾP ẢNH GIA TRẦN CHÍNH NGHĨA

Đọc đến quên cả nóng nực như họ Đoàn, thật đồng cảnh với Bà Tùng Long thuở nhỏ khi mỗi dịp gia đình phơi sách để chống mối mọt, "với những ngày phơi sách, tôi cứ cắm đầu đọc các tờ báo, các quyển sách, và có khi say mê đến nỗi ngồi ngoài nắng mà không hay biết", trích hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi…

Nếu họ Đoàn say sách đến độ quên cả thời tiết, Nguyên Hồng thời trẻ cũng đọc sách quên thời gian. Sau khi chuộc được chiếc hòm sách làm tin vì thiếu tiền trọ về, Nguyên Hồng bập ngay vào sách, đọc ngấu nghiến đêm ngày: "Tôi đọc chưa xong cuốn này đã đến cuốn khác, chưa hết bài này đã sang bài khác. Đọc cả buổi trưa. Càng về khuya, trước ngọn đèn che một nửa về phía giường mẹ tôi nằm, một tay tì lên trán tôi càng lặng người đi mà đọc", hồi ký Bước đường viết văn bộc bạch. Lại có lúc, thậm chí Nguyên Hồng còn đọc sách để quên… đói. Để cho cái bụng đang cồn cào đói bớt rỗng, chàng trai 17 tuổi uống nước máy thay cơm, và "tôi coi đọc sách cũng như ăn".

Giáo sư Cao Xuân Huy thì để lại kỷ niệm đẹp với học trò khi "tráng miệng" buổi trưa với những trang sách. Trong bài viết Một tấm gương: "Học không biết chán, dạy không biết mỏi", PGS Trần Nghĩa còn nhớ nhiều buổi trưa mình qua nhà thầy Huy để liên hệ công việc, "tôi thấy cụ đầu gối lên một chiếc gối bằng gỗ rất cứng, sau một cặp kính lão và một tập sách dày cộp". Người ấy, cảnh ấy, đưa Trần Nghĩa tới câu thơ của Cao Bá Quát thật hợp cảnh, hợp tình: "Cùng thư song nhãn vạn niên đăng" (Đọc khắp sách vở, đôi mắt như ngọn đèn cháy một vạn dặm).

Chuyện thường, học sinh trong giờ học lén đọc truyện tranh, truyện chưởng… không hiếm. Tố Hữu khi còn là cậu học trò Nguyễn Kim Thành cũng như vậy, có khác chăng là tính ham đọc, và tính mục đích rõ ràng hơn so với lứa đồng niên. "Cứ có thời gian là đến hiệu sách vùi đầu vào đọc. Chúng tôi cảm thấy những điều trong sách như mở ra một chân trời mới […] Tôi ngồi ở cuối lớp nên trên bục thầy cứ giảng, còn tôi thì cứ đặt sách dưới mặt bàn mải mê đọc, không nghe thầy nói gì, đầu mải suy nghĩ về những câu rất hay trong các sách Mác, Lê-nin, hoặc tác phẩm văn học cách mạng", hồi ký Nhớ lại một thời ghi.

Sách nhiều bao nhiêu cũng chưa thỏa

Không gian đối với người đọc sách thật chẳng quan trọng nếu như họ đã say mê, như trường hợp Đoàn Phú Tứ, Cao Xuân Huy đã đề cập ở trên. Và đây nữa nhà văn thiếu nhi Thy Ngọc.

Dệt những sợi vàng: Đoàn Phú Tứ say sách giữa hè 'nóng chảy mỡ'- Ảnh 2.

Tác phẩm Vô gia đình của Hector Malot (bản in năm 1931) được Thy Ngọc đọc đến rách bìa

ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Thy Ngọc kể trong hồi ký Lời hứa với ngày mai, thuở nhỏ, "ban ngày, tôi thường ngồi đọc sách, báo chỗ có đặt chiếc chõng tre thấp, nhỏ ở hiên sân, lối xuống bếp". Mà sách ấy là sách gì? Thì đây, cuốn Vô gia đình dày cộm, bìa sờn rách được đọc đi đọc lại đến thuộc. Sau này là đọc cọp sách của nhà Tân Dân ở số 93 Hàng Bông, đọc loại "sách Hoa Mai" của Nhà xuất bản Cộng Lực. Cái duyên với văn học thiếu nhi cũng từ đó mà quện về sau.

Nói tới người yêu sách mà không nói tới Vương Hồng Sển thì thật thiếu sót lớn. Kể về nhà chơi cổ ngoạn này, học giả Nguyễn Hiến Lê cho hay ở thập niên 1980, trong nhà Vương Hồng Sển sách quý có đầy 9, 10 tủ. Ấy nhưng mê sách cỡ họ Vương thì nào có thỏa, "vậy mà hiện nay ông vẫn mỗi tuần hai lần xách ba toong từ Gia Định ngồi xe lam (Lambretta) ra Sài Gòn, lại chợ sách cũ đường Cá Hấp (Bùi Quang Chiêu cũ), góc đường Calmette, để tìm mua những sách hiếm dù giá rất cao", Đời viết văn của tôi ghi.

Là người yêu, trân quý và giữ gìn sách, nên với việc mượn sách, tác giả của Hơn nửa đời hư có ý kiến rõ ràng: "Sách hay thường có người đến mượn. Không cho thì là bụng xấu, nhưng cho rồi khi lấy sách đem về, tôi đã bị, hoặc sách mất trang, hoặc tệ hại hơn nữa, còn đủ trang, nhưng vẫn mang bịnh mới: lây mọt", Tạp bút năm Giáp Tuất 1994 ghi. Tuy vậy, đối với người yêu và biết dùng sách, cụ Vương không khó khăn chi trong việc cho mượn, "biết tôi thích loại nào, ông chịu khó đem cho tôi đọc", Nguyễn Hiến Lê hồi tưởng về người bạn tâm giao. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/det-nhung-soi-vang-doan-phu-tu-say-sach-giua-he-nong-chay-mo-18525042422561709.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm