Cuối tháng 4, giá thực phẩm tại các chợ dân sinh đồng loạt tăng cao, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Ghi nhận của phóng viên Lao Động tại các chợ Hà Đông, La Khê, Phùng Khoang, Kim Giang, Đồng Xa (Hà Nội) trong ngày 24.4 cho thấy, giá rau xanh tăng mạnh, nguồn cung lại khan hiếm.
Các loại rau như cải ngọt, rau muống, rau dền… đều tăng giá 30 - 50% so với hai tuần trước. Nhiều tiểu thương cho biết, thời tiết nắng nóng đầu hè khiến việc thu hoạch khó khăn, rau dễ hỏng trong quá trình vận chuyển, từ đó đẩy giá lên cao.
“Rau thì ít mà người mua thì nhiều, buộc lòng phải bán giá cao hơn. Chúng tôi cũng không muốn thế nhưng hàng về ít, lại dễ héo, không tăng giá thì lỗ", chị Hồng - một tiểu thương tại chợ Đồng Xa - phân trần.
Không chỉ rau xanh, giá thịt lợn, trứng gia cầm cũng tăng vọt. Tại chợ Ngọc Hà, thịt ba chỉ từ mức 110.000 đồng/kg đã vọt lên 135.000 đồng/kg.
Trứng gà loại to được bán tới 30.000 đồng/chục, tăng 5.000 đồng chỉ trong vòng một tuần. Một số mặt hàng thủy sản như cá quả, cá rô phi cũng đội giá thêm khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân dẫn đến “cơn bão giá” đến từ nhiều yếu tố bao gồm chi phí xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến vận chuyển; cùng với thời tiết nắng nóng bất thường làm giảm sản lượng thu hoạch; chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, điện nước cũng leo thang.
Ngoài ra, việc nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào bị chậm trễ do tình hình vận tải quốc tế chưa ổn định cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả thị trường.
Trái với tình trạng khan hàng ở chợ truyền thống, nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội như GO! Big C, Tops Market, MM Mega Market, WinMart… vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định.
Các loại rau củ quả như bí xanh, cà chua, cà rốt, cải ngọt… đều được niêm yết giá rõ ràng, dù có tăng không biến động quá mạnh. Đơn cử, cải chíp có giá 10.900 đồng/kg, bí xanh 19.900 đồng/kg, cà chua 35.900 đồng/kg…
Tuy nhiên, người tiêu dùng cho biết giá ở siêu thị dù không tăng nhiều nhưng cũng không rẻ, thậm chí cao hơn so với chợ dân sinh ở một số mặt hàng. Do đó, nhiều người chọn cách “chia nhỏ” điểm mua, cân nhắc giữa siêu thị và chợ để tiết kiệm chi phí.
Các loại rau củ quả như bí xanh, cà chua, cà rốt, cải ngọt… đều được niêm yết giá rõ ràng, không biến động quá mạnh như cải chíp có giá 10.900 đồng/kg, bí xanh 19.900 đồng/kg, cà chua 35.900 đồng/kg…
Anh Trần Văn Hùng (Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ: “Giờ phải tính từng bữa. Đi chợ mà cứ như giải toán, cái nào rẻ thì mua trước, cái nào đắt quá thì đợi giảm giá. Trước ăn thịt mỗi ngày, giờ phải thay bằng đậu phụ, trứng cho đỡ tốn".
Không chỉ người lớn, sinh viên - nhóm thu nhập thấp - cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều bạn trẻ chia sẻ đã cắt giảm chi tiêu, chuyển sang ăn mì tôm, cơm rau, tận dụng đồ khuyến mãi.

“Hồi trước mỗi tuần mình đi siêu thị 1-2 lần, giờ chỉ dám mua rau ở chợ, còn thịt thì tuần ăn một hai lần. Thấy giá thực phẩm có xu hướng tăng nên mình và các bạn ở chung cũng cố gắng tiết kiệm, sắp xếp chi tiêu cho hợp lý. Chúng mình cũng phân công nhau về quê, chịu khó mang đồ ăn thức uống từ quê lên để giảm chi tiêu trên Hà Nội. Vì bố mẹ ở quê kiếm tiền cho các con đi học cũng không dễ” - bạn Nguyễn Hương Giang, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ các quận nội thành, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, tình trạng tăng giá thực phẩm cũng đang khiến người dân lo lắng. Chị Ngọc Giang - chủ một nhà hàng tại Sơn Tây - Hà Nội - cho biết: Sau Tết Nguyên đán, thực phẩm tăng giá. Điển hình nhất là thịt lợn, nếu thời điểm Tết khoảng 100 nghìn đồng/kg thì đến nay giá là 120 nghìn đồng/kg. Giá này dành cho những khách hàng mua số lượng lớn như chị.
Dự báo trong thời gian tới, giá thực phẩm có thể tiếp tục giữ mức cao, đặc biệt nếu thời tiết nắng nóng kéo dài và chi phí vận chuyển không giảm.
Nguồn
Bình luận (0)