Cựu chiến binh tham quan Khu di tích lịch sử ‘Nơi Sư đoàn 341 xuất quân vào chiến trường chiến đấu năm 1975 |
Ngày 12/4/2025, hơn 1.000 cựu chiến binh của Sư đoàn 341 và hơn 200 khách mời đã về dự lể kỷ niệm 50 năm Ngày Sư đoàn hành quân ra mặt trận (3/2/1975 - 3/2/2025) và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) tại thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Từ tháng 12/1972 đến ngày 23/11/1975, Sư đoàn 341 đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh, sở chỉ huy sư đoàn đóng tại làng Mỹ Hà. Vừa huấn luyện, sư đoàn vừa làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn phía nam Quân khu 4.
Ngày 3/2/1975, sư đoàn lên đường ra mặt trận, điểm đến đầu tiên là mặt trận miền Đông Nam bộ, đánh trận đầu tiên trên trục đường 13 Chơn Thành - Bàu Bàng, rồi đánh địch ở Dầu Tiếng, chốt giữ Định Quán, vượt sông La Ngà tiến về Đồng Nai đánh trận Xuân Lộc kéo dài suốt 12 ngày đêm. Sư đoàn được chỉ huy Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30/4/1975) trên mặt trận hướng Đông Sài Gòn. Đó là trận đánh vào Chi khu quân sự Trảng Bom rạng sáng 27/4/1975. Trong một ngày, Sư đoàn 341 đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Trảng Bom. Chiến thắng Trảng Bom là thắng lợi vang dội đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sư đoàn 341 cán đích tại dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30/4/1975.
Đời người là những chuyến đi. Chuyến đi xa nhất và lâu nhất của đơn vị chúng tôi, đơn vị trinh sát của Sư đoàn 341, là cuộc hành quân từ Nam Đàn, Nghệ An vào Lệ Thủy, Quảng Bình. Hành trình đi bộ hơn 20 ngày, hơn 200 cây số, theo đường giao liên, đi qua những trận không kích của máy bay Mỹ vào những ngày cuối cùng của năm 1972.
Đầu năm 1975, cũng trong hơn 20 ngày hành quân bằng ô tô theo đường Hồ Chí Minh, đơn vị tôi đã từ sông Kiến Giang vượt chặng đường 1.200km đến lưu vực sông Đồng Nai tham gia chiến dịch mùa xuân 1975. Rồi những cuộc hành quân từ TP. Hồ Chí Minh về biên giới Tây Nam, từ biên giới Tây Nam qua Phnom Pênh, Xiêm Riệp. Những cuộc hành quân “ngăn bước quân thù phía nam, phía bắc” và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Chiến tranh qua đi với bao mất mát, đau thương không thể nào quên, không có gì có thể bù đắp được. Nhiều đồng đội “mang trên mình còn lắm vết thương”. Nhiều đồng đội ra đi mãi mãi không về.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính năm xưa nay tóc đã ngả màu sương. Chúng tôi gác lại tất cả mọi công việc để trở lại chiến trường xưa. Đó là những địa chỉ đỏ, những nơi chúng tôi đã từng sống và chiến đấu, nơi có những đồng đội thân yêu đã ngã xuống và hóa thành hồn thiêng sông núi - tượng đài bất tử!
Chúng tôi đã tổ chức một chuyến đi xa khi tuổi đã mãn chiều, về với quá khứ hào hùng. Chúng tôi đi theo nhạc điệu thiết tha, da diết: “Từng chặng đường dài mà ta qua, đều để lại kỷ niệm quý giá. Để lại một điều rằng càng đi xa, ta càng thêm nhớ nhà. Đi thật xa để trở về. Có một nơi để trở về. Đi, đi để trở về…”.
Chúng tôi đang đi trên hành trình nhân sinh. Ngày ấy chúng tôi “đến bên nhau giữa đạn bom, đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh”. Hôm nay chúng tôi “đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước”. Đồng đội của chúng tôi đã sống đẹp, sống trọn vẹn cho đến phút cuối cùng mà không ai đòi hỏi hưởng thụ hay tính toán công lao. Chúng tôi đi là để tìm về ký ức, để hoài niệm về “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Cách đây nửa thế kỷ, chúng tôi đã hiểu “nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, là nơi tìm ra chân lý và sức mạnh Việt Nam. Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng mà gian lao, bạn bè của chúng ta trên khắp hành tinh này cũng đã hiểu như thế.
Đi để yêu thương và đi để tự hào!
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/di-de-yeu-thuong-tu-hao-153022.html
Bình luận (0)