Bản nhạc “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Cụ thể, vào hồi 23 giờ ngày 10-4-2025, tức 4 giờ ngày 11-4-2025 giờ Việt Nam, tại Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã ghi danh “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam vào Danh mục Ký ức Thế giới - Di sản tư liệu Thế giới. Ðợt này, UNESCO nhận được 121 hồ sơ đề cử từ các quốc gia, vùng lãnh thổ; hồ sơ “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam là 1 trong 74 hồ sơ được UNESCO ghi danh.
Hội đồng Tư vấn Quốc tế Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO đánh giá, hồ sơ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chí quốc tế của một hồ sơ Ký ức Thế giới, với các giá trị nổi bật, tiêu biểu. Ðặc biệt, “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” còn được đánh giá cao bởi được bảo tồn rất tốt, vừa lưu giữ vừa tăng tính tiếp cận cho công chúng thông qua nền tảng số đa ngôn ngữ tại địa chỉ https://hoangvan.org.
Theo thống kê, bộ sưu tập này gồm 700 tác phẩm, được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác từ năm 1951 đến năm 2010. Ðồng thời, có khoảng 1.000 hạng mục, sưu tập tài liệu gồm nhạc phổ, bản thu thanh, bản thảo chép tay hoặc bản in, video, bài báo, nhạc phim, phỏng vấn, sách và ấn phẩm âm nhạc... Bộ sưu tập không chỉ mang dấu ấn cá nhân, thành tựu sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn phản ánh sinh động một chặng đường dài của âm nhạc Việt Nam, nhất là dòng nhạc cách mạng. Việc phát huy bộ sưu tập trên môi trường số, được UNESCO vinh danh, đã quảng bá hiệu quả âm nhạc Việt Nam, cung cấp cho công chúng những tư liệu chính xác, toàn diện, khoa học về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh tại Hà Nội trong một gia đình Nho học. Từ nhỏ, ông đã được học hành bài bản, đa tài thi, ca, nhạc, họa. Ông được biết đến với rất nhiều ca khúc kinh điển, được nhiều thế hệ người yêu nhạc thuộc nằm lòng như “Hò kéo pháo”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”, “Hai chị em”, “Người chiến sĩ ấy”… Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc để đời như “Tình yêu của đất và nước”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình ca Tây Nguyên”... Ông còn viết nhiều ca khúc thiếu nhi như “Ca ngợi Tổ quốc”, “Mùa hoa phượng nở”, “Em yêu trường em”...
Ðặc biệt, người yêu nhạc cũng nhớ đến nhạc sĩ Hoàng Vân rất thành công ở lĩnh vực sáng tác ca khúc truyền thống của các ngành nghề. Có thể kể đến như “Bài ca xây dựng”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Bài ca người thủy thủ”... Ngoài ra, ở chuyên ngành hợp xướng và đại hợp xướng, trường ca, giao hưởng thơ… nhạc sĩ Hoàng Vân cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Với điện ảnh Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác nhạc phim của nhiều tác phẩm kinh điển như “Nổi gió”, “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”…
DUY KHÔI
Nguồn: https://baocantho.com.vn/di-san-cua-nhac-si-hoang-van-a185381.html
Bình luận (0)