Xác định HTXNN là “chìa khóa” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm của địa phương, huyện phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ HTXNN; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX) và thành viên. Hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn của nhà nước phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất; tạo điều kiện để các hộ, nhóm hộ liên kết thành lập HTXNN, tổ hợp tác, phát triển doanh nghiệp đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền về chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2023, mở lớp tập huấn công tác chuyển đổi HTX…
Các địa phương, các cấp, ngành rà soát tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của HTXNN xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, các HTXNN mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật, năng suất, chất lượng và giá trị nông sản ngày càng được nâng cao, hoạt động của các HTXNN cũng được tăng thêm một bước.
HTX Chăn nuôi, du lịch nông nghiệp, dược liệu Đông Sơn thành lập năm 2024, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi mở rộng quy mô, HTX duy trì nuôi hơn 400 con dê/lứa theo hình thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả. Mỗi năm, HTX xuất bán từ 3 - 4 lứa dê thịt, thị trường tiêu thụ chính tại tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội và một số nhà hàng trong tỉnh. Giá bán từ 140 - 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Anh Lý Văn Huấn, Giám đốc HTX Chăn nuôi, du lịch nông nghiệp, dược liệu Đông Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả quy trình chăn nuôi, HTX lựa chọn con giống có nguồn gốc, cho năng suất, chất lượng cao; đầu tư xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, hạn chế dịch bệnh; đặc biệt chú trọng sản phẩm sạch, an toàn. Khi thành lập HTX, bước vào môi trường chuyên nghiệp hơn, chúng tôi nỗ lực phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khẳng định chỗ đứng của mình. HTX đang từng bước vận động các hộ nuôi dê tham gia vào HTX chăn nuôi trên địa bàn để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên nhằm tăng lợi nhuận trong chăn nuôi, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân khu vực nông thôn.
Khu trại nuôi dê của Hợp tác xã chăn nuôi, du lịch nông nghiệp, dược liệu Đông Sơn, xã Minh Tâm (Nguyên Bình).
Được thành lập từ năm 2017, HTX Nông sản Tân Việt Á xác định ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sản phẩm miến dong Phja Đén, với nguyên liệu chính là bột dong thu mua từ các địa phương trong huyện. HTX còn liên kết sản xuất, cung cấp giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, mở rộng diện tích cây dong riềng theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ thực hiện liên kết sản xuất, HTX có vùng nguyên liệu sạch, chất lượng, thực hiện các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, sản phẩm miến dong Tân Việt Á dần khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Sản phẩm miến dong Tân Việt Á được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tháng 1/2025, lô hàng đầu tiên, 4 tấn miến dong Tân Việt Á đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là bước phát triển lớn của HTX.
Ông Trần Đức Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản Tân Việt Á, cho biết: Sản phẩm miến dong Phja Đén được đóng gói với đầy đủ thông tin về thành phần, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, mã vạch, mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Giá bán dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tùy vào thời điểm. Năm 2024, HTX tiêu thụ hơn 60 tấn miến dong, tạo việc làm cho gần 10 lao động thời vụ tại địa phương.
Cùng với sản xuất sản phẩm miến dong, HTX Nông sản Tân Việt Á còn hỗ trợ bao tiêu, xúc tiến thương mại các loại nông sản, như: bánh chưng, thạch đen, mộc nhĩ, lạp sườn, nấm hương…, đưa đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng trên cả nước.
Các HTXNN từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Hiện nay, huyện có 22 HTXNN hoạt động trong lĩnh vục nông nghiệp, với 258 thành viên. Trong đó, 19 HTXNN hoạt động hiệu quả, chủ yếu là sản xuất miến dong, doanh thu bình quân mỗi HTXNN 132 triệu đồng. Một số sản phẩm OCOP của các HTXNN xếp hạng từ 3 sao trở lên, có những HTXNN tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì, truy suất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm… Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của HTX, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho các HTX cũng như tạo việc làm thường xuyên cho lao động là người dân địa phương với mức lương bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về HTXNN, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTXNN; xây dựng, nhân rộng các mô hình HTXNN điển hình; hỗ trợ HTXNN tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Thúc đẩy sự phát triển các HTXNN gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Ngọc Dung
Nguồn: https://baocaobang.vn/hop-tac-xa-nong-nghiep-diem-tua-cua-kinh-te-nong-thon-3176491.html
Bình luận (0)