Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali. (Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ethiopia) |
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Ethiopia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau bảy năm.
Nằm ở vùng Sừng châu Phi, Ethiopia là thị trường giàu tiềm năng với quy mô nền kinh tế và dân số lớn, khoảng 130 triệu người, là nước đông dân thứ hai ở châu Phi. Trong nhiều năm gần đây, nền kinh tế Ethiopia liên tục tăng trưởng ở mức cao và tương đối ổn định, được coi là điểm sáng về phát triển kinh tế tại châu Phi. Ethiopia là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất châu lục, đạt trung bình 9% giai đoạn 2011-2019 và hơn 6% giai đoạn 2020-2024. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Ethiopia đạt 8,2%.
Ethiopia hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Phi và lớn thứ 5 châu Phi. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ethiopia dao động từ 18 đến 21 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Ethiopia là cà-phê, vàng, sản phẩm da, các loại hạt lấy dầu; mặt hàng nhập khẩu chính là lương thực, dầu và sản phẩm dầu mỏ, hóa chất, máy móc, phương tiện giao thông, ngũ cốc, dệt may.
Ethiopia đang trong giai đoạn đầu về mở cửa thị trường và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia quá trình này. Từ năm 2018, Thủ tướng Abiy Ahmed Ali thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ như triển khai Chương trình cải cách kinh tế tự lực, đẩy mạnh tư nhân hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên lĩnh vực viễn thông, nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa, phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2025.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Ethiopia đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia “Digital Ethiopia 2025”, với mục tiêu số hóa nền kinh tế vào năm 2025. Với việc Ethiopia phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng vị thế và vai trò của quốc gia này như là một trung tâm thương mại khu vực để thâm nhập thị trường Đông Phi. Là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực và với vị trí trung tâm ở vùng Sừng châu Phi, cửa ngõ khu vực Đông Phi, Ethiopia là nơi đặt trụ sở, văn phòng đại diện khu vực của hơn 90 tổ chức quốc tế và khu vực.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực châu Phi, trong đó có Ethiopia.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abiy Ahmed Ali và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Việt Nam-Ethiopia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/2/1976 và đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026. Đảng ta có quan hệ tốt đẹp với Đảng Thịnh vượng (cũng là Đảng cầm quyền) và Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia (tồn tại từ năm 1988 đến 2019) của Ethiopia. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng thường xuyên thăm hỏi, chúc mừng nhau nhân dịp tổ chức Đại hội của mỗi bên.
Hai bên thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Ethiopia công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam từ năm 2014. Hai bên ký nhiều thỏa thuận hợp tác về văn hóa, kinh tế, thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước trong bốn năm gần đây duy trì ở mức 10-15 triệu USD. Năm 2024, kim ngạch song phương đạt 13,1 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,11 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các máy móc, thiết bị phụ tùng, xơ, sợi dệt, sản phẩm hóa chất và nhập khẩu chủ yếu nguyên phụ liệu dệt may, da giày, cà-phê các loại từ Ethiopia. Trong lĩnh vực đầu tư, Công ty MK Group là doanh nghiệp Việt Nam có dự án đầu tư liên doanh trong lĩnh vực sản xuất thẻ thông minh tại Ethiopia. Đến hết tháng 10/2024, Ethiopia có một dự án đầu tư (còn hiệu lực) tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10.000 USD. Việt Nam và Ethiopia đang tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới tiềm năng như thực phẩm, thủy hải sản, dược phẩm, sản phẩm Halal, sản phẩm dệt may, viễn thông, chuyển đổi số...
Việc Việt Nam đón Thủ tướng Ethiopia nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; triển khai Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-Châu Phi giai đoạn 2016-2025” và Đề án “Phát triển quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Phi giai đoạn 2021-2025”; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực châu Phi, trong đó có Ethiopia.
Trên cơ sở của mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, chuyến thăm của Thủ tướng Ethiopia sẽ đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn phát triển mới, hiệu quả, thực chất hơn, xứng đáng với tiềm năng của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/dua-quan-he-viet-nam-ethiopia-sang-giai-doan-moi-post872473.html
Bình luận (0)