Ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình đều có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Nơi đây hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, nhiều Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Di sản phi vật thể thế giới Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đây là thế mạnh, là giá trị cốt lõi mà 3 tỉnh tập trung khai thác phục vụ du khách trong "Hành trình du lịch xanh".
Đạp xe là một trong những trải nghiệm du khách ưa thích khi đi du lịch
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho rằng, du lịch bền vững, du lịch xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại những giá trị kinh tế - xã hội lâu dài. Những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh ngày càng được chú trọng, đặc biệt trong phối hợp quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới.
Đáng chú ý, nhiều tour du lịch đã được khai thác và tiếp tục xây dựng như Chương trình du lịch khám phá du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát - kết nối với Vườn quốc gia Bến En Thanh Hóa - du lịch Ninh Bình - Hà Nội - các tỉnh Tây Bắc; kết nối du lịch Tây Bắc với Nghệ An qua đường mòn Hồ Chí Minh và đường quốc lộ 1A; tour du lịch đặc trưng riêng có của vùng kết nối qua các kinh đô Việt Cổ (Di tích Cố đô Hoa Lư, Thành nhà Hồ và Đền thờ Vua Quang Trung)…
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Minh Đường
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự liên kết, hợp tác giữa ba địa phương trong việc xây dựng "Hành trình du lịch xanh" và mong rằng các doanh nghiệp cùng nhau xây dựng sản phẩm vừa để làm phong phú thêm sản phẩm cho 3 tỉnh.
"Ba địa phương liên kết tạo ra hành trình mới, dòng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đồng thời gia tăng trải nghiệm cho du khách, tăng doanh thu và quan trọng là níu chân du khách ở lại lâu hơn. Để hành trình du lịch này đạt hiệu quả, các địa phương cần phải tăng cường kết nối các tuyến điểm. Xanh ở đây không chỉ là môi trường tự nhiên mà xanh cả văn hóa, xã hội, sản phẩm thân thiện, gần gũi, kết nối con người với con người, con người với thiên nhiên. Để làm được điều này, các địa phương nên lấy sự đặc sắc trong văn hóa bản địa làm hồn cốt, để tôn vinh, tạo sự khác biệt cho du lịch địa phương", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp du lịch tỉnh Ninh Bình được trao Chứng nhận "VITM Green" cấp độ Xuất sắc. Ảnh: Minh Đường
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB Lữ hành Hà Nội UNESCO cho rằng, các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành cần hoạch định chiến lược mới cho riêng mình, nâng cao nhận thức cũng như đào tạo về du lịch xanh, du lịch gắn với cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong quá trình phát triển du lịch tránh tác động đến môi trường, cảnh quan để những giá trị này là “thỏi nam châm” hút khách du lịch cho các địa phương.
Nguồn: https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hanh-trinh-du-lich-xanh-ket-noi-3-vung-di-san-52631.vov2
Bình luận (0)