Công ty CP Domilk tham gia tìm kiếm khách hàng tại Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025. Ảnh:V.Gia |
Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị, tổ chức làm sản phẩm OCOP vẫn chưa hết bấp bênh. Sản xuất, tiêu thụ của một số đơn vị vẫn chậm so với mục tiêu nên các cơ sở phải nỗ lực tìm thêm thị trường tiêu thụ.
Tiêu thụ vẫn khó
Công ty CP Domilk (huyện Long Thành) chuyên sản xuất, kinh doanh các loại bánh kẹo có nguồn gốc từ sữa bò. Hiện công ty đã có một số sản phẩm đạt các chứng nhận như: hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; OCOP... Các chứng nhận này những năm qua đã giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xây dựng được hơn 400 đại lý và điểm bán trên cả nước.
Tuy nhiên, là sản phẩm đặc sản, nhiều năm phục vụ khách du lịch tại các chặng dừng chân, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ, sức mua tại các điểm dừng chân trên địa bàn và tại các điểm du lịch đang bị chững lại. Sức tiêu thụ phục vụ mảng khách du lịch kể từ sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa hồi phục. Điều này đang là rào cản để doanh nghiệp này phát triển thương hiệu của mình cũng như là của địa phương.
Năm 2025, Đồng Nai phấn đấu đạt 45 sản phẩm tiêu chí 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm có tiềm năng xếp hạng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia.
Trong khi đó, đối với các đơn vị sản xuất cà phê, thời gian qua, khó khăn thật sự là về giá nguyên liệu tăng cao. Theo ông Lê Thành Công, chủ Cơ sở Cà phê mộc Mr Công (thành phố Long Khánh), hơn 2 năm nay, giá nguyên liệu cà phê tăng nhanh, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và các đơn hàng đã ký kết từ trước. Sản phẩm không thể điều chỉnh tăng liên tục theo giá nguyên liệu, bởi như vậy khách hàng khó tiếp cận, một số khách sẽ ưu tiên sử dụng các loại cà phê phối trộn có trên thị trường, giá thành rẻ hơn. “Chúng tôi đang tìm mọi cách để có thể có được những dòng sản phẩm cà phê chuyên biệt, đặc trưng nhằm giới thiệu và thu hút khách hàng” - ông Công chia sẻ.
Trên thực tế, các sản phẩm OCOP đã khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển các nhà máy, xưởng sản xuất về nông thôn, tận dụng lợi thế địa phương trong việc chế biến sản phẩm. Song việc nhân rộng sản phẩm OCOP đang phải đối diện với một số thách thức cần giải quyết để gia tăng giá trị và hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, đối với kênh phân phối siêu thị - khu vực có thể tiếp cận khách hàng nhanh và rộng khắp, thì một số sản phẩm lại chưa đáp ứng được các tiêu chí để hợp tác. Nhiều sản phẩm OCOP chưa duy trì được sự ổn định về số lượng cung cấp cho siêu thị, chưa “đánh” trúng tâm lý người tiêu dùng, thiếu các hoạt động khuyến mãi hấp dẫn, nhất là vào các đợt cao điểm mua sắm... Một số sản phẩm có trên kệ hàng song doanh thu ít, vẫn chủ yếu quảng bá, giới thiệu là chính.
Nỗ lực tìm cách liên kết mở rộng thị trường
Theo ông Võ Văn Mạnh Em, Phó giám đốc Công ty CP Domilk, muốn phát triển, doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách để liên kết quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các đối tác. Trong tháng 4 này, công ty sẽ tổ chức Hội nghị Kết nối hành trình sản vật Đồng Nai tới hàng chục đối tác, trong đó có các đơn vị du lịch lớn, các khách sạn, trung tâm thương mại và cơ sở đào tạo nhằm quảng bá, giới thiệu và hợp tác để phát triển các sản phẩm bánh kẹo thương hiệu của Đồng Nai ra khắp cả nước.
Tương tự, với thương hiệu khô bà Tam ở Nhơn Trạch, nhằm khai thác thị trường, Công ty TNHH Tam Food đang phân phối sỉ vào tất cả các kênh bán hàng hiện có trên thị trường: kênh nhà hàng, khách sạn, bar, beer club... cao cấp), kênh MT (bán hàng hiện đại: cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, siêu thị), kênh GT (các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống); đồng thời “chạy” chương trình quảng cáo sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, Facebook, web…
Đối với địa phương, để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã triển khai Chương trình OCOP địa phương năm 2025. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch. Tập trung vào một số nhiệm vụ chính là tuyên truyền về hiệu quả trong việc phát triển sản phẩm OCOP; khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm nguồn gốc địa phương; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở sản xuất sản phẩm, nhất là các khâu thiết kế bao bì, kỹ năng bán hàng thời công nghệ. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển, nâng cấp các sản phẩm OCOP địa phương; đồng thời xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ, doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, khu vực và cả nước để nâng cao độ nhận diện, tiếp cận thị trường một cách tốt hơn.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/san-pham-ocop-no-luc-tim-thi-truong-tieu-thu-28b5de3/
Bình luận (0)