Vào năm 1964, tại chiến trường Bình Giã, ông Nguyễn Xuân Nấm, một chiến sĩ mặt trận thông tin, đã gặp bà Bùi Thị Hồng, nữ du kích vận chuyển vũ khí. Tình yêu của họ nảy nở từ những ngày cùng chiến đấu trong chiến hào.
Đến năm 1965, đơn vị của ông Nấm tiếp tục tham gia trận đánh Đồng Xoài. Trước khi ra đi, ông để lại lời hẹn ước sẽ nên duyên vợ chồng với bà Hồng khi đất nước hòa bình. Tuy nhiên, chiến trường miền Đông Nam Bộ lúc đó rất khốc liệt, khiến họ mất liên lạc với nhau.
Sinh ra tại Củ Chi, bà Bùi Thị Hồng đã tham gia cách mạng từ khi mới 15 tuổi, từ đoàn văn công cải lương đến tải đạn, vận chuyển vũ khí ra chiến trường.
Trong một lần vận chuyển vũ khí, bà bị địch phát hiện và phải cưa bỏ chân phải để bảo toàn mạng sống.
Trớ trêu thay, năm 1968, ông Nấm cũng bị thương nặng và phải cưa chân phải. Ông bị địch bắt và giam giữ suốt 5 năm 5 tháng, chỉ được trả tự do sau Hiệp định Paris 1973.
Tròn 10 năm mất liên lạc, năm 1974, ông Nấm và bà Hồng gặp lại nhau trong hoàn cảnh đặc biệt: cùng đến đơn vị làm chân giả. "Anh nhìn em - em nhìn anh, ngờ ngợ vì trông rất quen nhau", bà Hồng nhớ lại.
Ông Nấm không ngừng nhớ về người con gái mình thương và ngỏ lời cưới bà Hồng sau ngày gặp lại. Dù bà Hồng từ chối vì lo ngại về ngoại hình, ông Nấm vẫn kiên trì theo đuổi.
Sau năm 1975, họ tổ chức đám cưới đơn sơ và cùng nhau xây dựng cuộc sống mới tại quê nhà Củ Chi. Đến nay, họ có 3 người con và 8 người cháu.
Trải qua nửa thế kỷ gắn bó, ông bà đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, sức khỏe của họ đã yếu đi, bà Hồng phải ngồi xe lăn do vết thương cũ. Ông Nấm chia sẻ: "Hôm Tết, bả đi viện cả 10 ngày, tôi chỉ có thể gọi điện hỏi thăm".
Ông Nấm luôn kể cho các cháu nghe về quá khứ, nhắc nhớ sự hy sinh của nhiều người để giành lại hòa bình.
Ngày ra đi với hình hài nguyên vẹn, khi trở về mỗi người đều gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, ông bà có cuộc sống bình yên nơi quê nhà để mỗi ngày quây quần cùng con cháu.
Nửa thế kỷ chiến tranh qua đi, khói lửa năm nào chỉ khiến tình yêu của những người lính thêm phần rực rỡ. Dù đó có là những sự hy sinh, là những năm tháng biền biệt mất hẳn thông tin không biết ngày gặp lại. Nhưng với những mối tình thời chiến, dẫu có ác liệt thế nào, thì:
"Những đêm dài chiến đấu
Ngày đêm ta bên nhau những đêm dài chiến đấu
Đêm ngày ta chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau".
Bình luận (0)