Đại đội I pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. (Ảnh Tư liệu)
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo Nhân dân bước vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa, nhằm xây dựng hậu phương vững mạnh, hàng loạt phong trào thi đua được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa phát động trong mọi ngành, mọi giới, mọi địa phương, đơn vị với mục tiêu trở thành những lá cờ đầu toàn quốc. Qua các phong trào, nhiều điển hình tiên tiến đã được nhân rộng trên toàn miền Bắc, tiêu biểu là hoạt động của các HTX, như: Ðông Phương Hồng, Xuân Thành, Yên Trường, Ðịnh Công, cơ khí Thành Công.
Để ngăn chặn tuyến chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã tiến hành mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, trong đó Thanh Hóa là trọng điểm đánh phá ác liệt. Trong thời kỳ này hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn gian khổ, anh dũng kiên cường chiến đấu, góp phần đập tan 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Những địa danh như Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép... trở thành các “tọa độ lửa” khốc liệt nhất, nhưng cũng ghi dấu chiến công oanh liệt nhất của quân dân Thanh Hóa. Qua hai lần chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân dân toàn tỉnh đã bắn rơi 376 máy bay, trong đó có 3 chiếc B52, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy, bắn chìm 57 tàu chiến. Riêng Hàm Rồng đã bắn hạ 116 máy bay địch, trong đó có 2 máy bay chiến lược B52, bắt sống 12 tên giặc lái, tiêu diệt trên 100 tên khác. Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nghệ thuật quân sự tài tình và sức mạnh đoàn kết của chiến tranh Nhân dân Việt Nam.
Trong suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vừa trực tiếp chiến đấu chống trả các cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vừa tích cực làm nhiệm vụ hậu phương lớn với tiền tuyến. Hưởng ứng khẩu hiệu “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, Thanh Hóa phát động hàng chục phong trào thi đua yêu nước ở tất cả các ngành, các cấp, tiêu biểu như các phong trào: “ba sẵn sàng” của thanh niên, “ba đảm đang” của phụ nữ, góp “hòn đá chống Mỹ” để lấp hố bom, thi đua “giỏi tay cày, hay tay súng”, “5 tấn thắng Mỹ” ở nông thôn, "2 mũi tiến công chống Mỹ” ở các công, nông, lâm trường; phong trào “bám biển, giữ làng, bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến địch” ở các vùng biển... Các phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa mạnh mẽ đến khắp các vùng miền, tạo nên khí thế hào hùng trong xưởng máy, công trường, đồng ruộng, trường học.
Giờ đây mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng ông Thiều Quang Mộc - nguyên là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Thanh Hóa giai đoạn 1972-1984 vẫn nhớ rất rõ khí thế quyết tâm, sôi nổi thực hiện các phong trào vừa chiến đấu anh dũng để bảo vệ hậu phương lớn vừa lao động sản xuất để làm ra nhiều của cải vật chất tăng cường cho tiền tuyền lớn miền Nam: "Những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang ra miền Bắc, tinh thần bảo vệ đường sá, cầu cống của người dân thị xã Thanh Hóa rất sôi nổi. Nhiều người, nhiều gia đình đã không ngần ngại dỡ nhà làm cầu, lấy đá lát đường để giữ cho tuyến vận tải vũ khí, quân lương vào chiến trường miền Nam được thông suốt”.
Trong gần 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Thanh Hóa đã huy động quân dân trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tích cực lao động sản xuất để cung cấp, vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Ông Đỗ Hữu Thích - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa vẫn hình dung rất rõ về khí thế, tinh thần lao động sản xuất cũng như xung phong tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu của thanh niên ở khắp các vùng quê xứ Thanh lúc bấy giờ: “Ở các địa phương thanh niên tình nguyện nhập ngũ, một số thanh niên lúc đó viết đơn xin nhập ngũ bằng máu để đăng ký lên đường nhập ngũ, phụ nữ đẩy mạnh phong trào sản xuất nông thôn để thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ. Phong trào Đông Phương Hồng được đẩy mạnh để đạt năng suất 5 tấn/ha. Phong trào làm đường, mở đường cho xe đi cũng diễn ra sôi nổi”.
Ông Thiều Quang Mộc (áo trắng) - nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Thanh Hóa giai đoạn 1972-1984 xem lại các hình ảnh ghi dấu chiến công chống Mỹ của Thanh Hóa. Ảnh: Mai Ngọc
Để tăng cường lực lượng quân đội trực tiếp chiến đấu ở mặt trận phía Nam, với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” khắp nơi trong toàn tỉnh phong trào tình nguyện tòng quân nhập ngũ vào Nam chiến đấu diễn ra sôi nổi. Chỉ tính riêng 10 năm từ 1965-1975, Thanh Hóa đã tuyển gọi 195.853 thanh niên gia nhập quân đội, bằng 10,15% dân số (trong đó có 7.039 nữ). Liên tục 11 năm hoàn thành và vượt chỉ tiêu trên giao. Ngoài việc vượt chỉ tiêu tuyển quân, từ tháng 4 năm 1970-1975, Trung đoàn 14 đã huấn luyện chi viện cho các đơn vị ở chiến trường 78 tiểu đoàn (có 4 tiểu đoàn nữ), góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Khi nhắc về tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh anh dũng của lực lượng vũ trang Thanh Hóa ở chiến trường khói lửa Bình Trị Thiên, cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuấn - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6, Tỉnh đội Thừa Thiên Huế nhớ rõ: “Trung đoàn của chúng tôi phần đông là người Thanh Hóa. Các anh chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm. Trong số những người hy sinh của đơn vị thì số lượng con em Thanh Hóa rất đông”.
Những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của, những chiến công oanh liệt, lẫy lừng của quân, dân tỉnh ta cũng như những mất mát, hy sinh trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Toàn tỉnh có 25 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 16 đơn vị và cá nhân là Anh hùng Lao động, 71 cá nhân là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 56.559 liệt sĩ, 32.146 người là thương binh...
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và những quyết sách linh hoạt, sáng tạo đã cùng với toàn quân, toàn dân giành nhiều thắng lợi to lớn, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Những đóng góp to lớn về sức người, sức của, những chiến công oanh liệt, lẫy lừng của quân và dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Thanh Hóa đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Truyền thống ấy sẽ là nguồn sức mạnh quan trọng giúp Thanh Hóa tiếp tục vươn lên giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Mai Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ban-hung-ca-chong-my-255362.htm
Bình luận (0)