Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Di tích Lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ: Biểu tượng của tinh thần quật cường

Quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ bao gồm 46 di tích thành phần (trong đó có 8 Di tích Quốc gia Đặc biệt) là những chứng tích sống động về cuộc kháng chiến thần kỳ của quân và dân ta.

VietnamPlusVietnamPlus07/05/2025

Giữa không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, chiến thắng Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025) không chỉ là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng yêu nước bất khuất, mà còn là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng cũng đã để lại cho Điện Biên một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, điểm hẹn hấp dẫn đối với du khách để mọi người khi có dịp đến đây đều nhận thấy sự nỗ lực vươn mình của vùng đất khó, lắng nghe âm vang chiến thắng và cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình.

Di sản vô giá của dân tộc

Những ngày tháng 5 lịch sử, trên mảnh đất anh hùng Điện Biên diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời là dịp để nhìn lại và phát huy giá trị to lớn của Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ bao gồm 46 di tích thành phần (trong đó có 8 Di tích Quốc gia Đặc biệt) là những chứng tích sống động về cuộc kháng chiến thần kỳ của quân và dân ta.

Không chỉ mang giá trị lịch sử sâu sắc, đây còn là biểu tượng của tinh thần quật cường, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Di tích Lịch sử Đồi A1 là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nay đã trở thành "địa chỉ đỏ" thu hút du khách đến tưởng nhớ, tri ân và hiểu hơn về những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Sau khi tham quan Đồi A1, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bổng (xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tâm sự: “Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất anh hùng Điện Biên và được đi tham quan các điểm di tích lịch sử, tôi vô cùng xúc động. Các điểm di tích được quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt, các hiện vật được và giữ gìn rất tốt và bài trí phù hợp, góp phần làm sống dậy khí thế hào hùng của một thời chiến đấu oanh liệt 71 năm về trước…”

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch bền vững

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Điện Biên lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc.

ttxvn-0704-di-tich-dien-bien-phu.jpg
Du khách tham quan, chụp ảnh check in tại Di tích Đồi A1. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt nhất của Điện Biên chính là du lịch lịch sử-tâm linh. Đây là lợi thế, cốt lõi để tỉnh phát huy giá trị lịch sử, thu hút du khách.Những năm qua, địa phương đã nỗ lực đầu tư, trùng tu và bảo tồn các di tích lịch sử với sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức và cá nhân.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ tại khu vực trung tâm thành phố Điện Biên Phủ và các điểm di tích đã và đang được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiều nội dung cụ thể về quy hoạch, tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; triển khai Dự án cắm mốc đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các khu di tích; xây dựng Dự án Trung tâm bảo tồn tôn tạo trung tâm Tập đoàn cứ điểm giai đoạn 2.

Để cụm di tích phát huy tối đa giá trị, gắn với phát triển du lịch bền vững, Điện Biên đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể, kết nối chuỗi di tích với các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại vùng phụ cận như: Mường Ảng, Tủa Chùa, Điện Biên Đông...

Đồng thời, tỉnh dồn nguồn lực đầu tư tôn tạo các điểm di tích, nâng cao chất lượng thuyết minh viên, ứng dụng công nghệ số vào trải nghiệm tham quan nhằm tạo sự hấp dẫn, mới mẻ cho du khách.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 30/4-4/5), tỉnh đã đón 60.100 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch; trong đó có 13.500 lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 182 tỷ đồng; công suất sử dụng buồng, phòng đạt 56,3%.

Những ngày này, các di tích vẫn đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.

Truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, những buổi tham quan thực tế, hoạt động ngoại khóa, trại hè về nguồn... tại quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ sẽ giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí vươn lên và trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước.

Tròn 71 năm đã trôi qua nhưng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là những dấu mốc sống động, chứng nhân lịch sử có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ người Việt hôm nay.

ttxvn-0705-dien-bien-phu-2.jpg
Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Đây không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, tư liệu sống động, mà còn là một “trường học lịch sử ngoài trời,” nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi lô cốt, đoạn giao thông hào, vật dụng của chiến sỹ năm xưa… đều gắn những câu chuyện về sự hy sinh, lòng dũng cảm, trí tuệ quân dân Việt Nam.

Vì vậy, những chuyến đi về nguồn, buổi tham quan, học tập tại quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là trải nghiệm, mà là hành trình truyền lửa, hun đúc tinh thần dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng và khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, em Nguyễn Phương Linh, học sinh Trường Trung học Cơ sở Gia Cẩm (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) xúc động chia sẻ: “Về với Điện Biên, lòng tự hào của dân tộc càng được nâng lên và cháu ghi nhớ sâu sắc hơn nữa công lao của ông cha ta đã anh dũng chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho đất nước. Là lớp thế hệ được sống trong hòa bình, cháu tự nhủ cần phải tiếp tục phát huy truyền thống của ông cha để góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng đất nước ngày một vững mạnh.”

Việc phát huy giá trị của Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ góp phần bảo tồn và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của dân tộc; đồng thời là động lực để phát triển du lịch địa phương bền vững. Với sự quan tâm và đầu tư, di tích này đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; đồng thời khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong việc giữ gìn và phát huy di sản lịch sử quý báu của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/di-tich-lich-su-chien-truong-dien-bien-phu-bieu-tuong-cua-tinh-than-quat-cuong-post1037047.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm