Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống nơi chiến trường khốc liệt, hiến dâng tuổi xuân và hy sinh cả tính mạng vì hòa bình, độc lập cho đất nước. Trong hành trình bảo vệ Tổ quốc, có biết bao người mẹ âm thầm tiễn chồng, tiễn con ra chiến trường, mãi mãi không thể trở về. Trong số đó, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) quê ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường An Thắng, Thành phố Đà Nẵng) là một biểu tượng bất tử, là hiện thân của tinh thần yêu nước, đức hy sinh và lòng kiên trung son sắt.
Di tích Nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tọa lạc tại xóm Gừng, thôn Thanh Quýt 2, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường An Thắng, Thành phố Đà Nẵng) là một nơi linh thiêng, đầy xúc động, ghi dấu sự hy sinh cao cả của Mẹ và gia đình trong hai cuộc kháng chiến, đồng thời là biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đó là căn nhà rường cổ 3 gian, 2 chái với nhiều nét văn hóa chạm trỗ tinh vi. Trong những năm tháng chiến tranh, nhà Mẹ Thứ từng là nơi hội họp của Huyện ủy Điện Bàn, nơi đặt trụ sở chỉ huy của Tiểu đoàn đặc công 91, Quân khu 5. Vườn nhà mẹ rộng, có 5 căn hầm bí mật nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Quanh vườn có nhiều cây xanh và cỏ, nuôi nhiều bò để ngụy trang. Lúc an toàn, Mẹ Thứ và các con mở hé cửa hầm để mọi người dễ thở và khi có động thì lại giả vờ trông coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm. Hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình Mẹ Thứ chở che, chăm sóc…Vợ chồng Mẹ cùng con gái đầu bám trụ xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ. Hằng đêm, Mẹ để ngọn đèn sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động. Khi Tổ quốc cần, Mẹ Thứ động viên, tiễn các con ra chiến trường. Mẹ Thứ có 12 người con (11 trai và 1 gái) thì 9 người con trai hy sinh. Con đầu và cũng là con gái duy nhất – bà Lê Thị Trị là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) khi có chồng và 2 con gái là liệt sĩ.
Ngày 18-6-1948, anh Lê Tự Xuyến – chiến sĩ giao liên bị Pháp bắn tại đầu làng. Ngày 5-10-1948, con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. 10 ngày sau, con trai Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong trận chống càn. Con trai Lê Tự Lem tròn 20 tuổi hy sinh trong lúc chiến đấu ở huyện nhà vào tháng 4-1954. Trong vòng 6 năm, mẹ Thứ mất 5 người con, đau thương dồn dập nhưng cứ khi con trưởng thành, mẹ lại động viên, tiễn con ra chiến trường.
Tháng 9-1966, con trai Lê Tự Nự hy sinh. Năm 1972, anh Lê Tự Mười và anh Lê Tự Trịnh hy sinh. Năm 1974, anh Lê Tự Thịnh – Ðại đội trưởng bộ đội ở huyện Duy Xuyên hy sinh trong lần chỉ huy đơn vị đánh đồn giặc. Con trai cả Lê Tự Chuyển – chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh vào 9 giờ ngày 30-4-1975 ngay trên cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ vào Sài Gòn, chỉ trước vài giờ đất nước thống nhất.
Con rể của Mẹ là Ngô Tường (chồng của mẹ VNAH Lê Thị Trị) tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, bị giặc Mỹ bắt năm 1956, bị tra tấn cho đến lúc tử vong, được công nhận là liệt sĩ. Mẹ Thứ còn 2 cháu ngoại (con gái của mẹ Trị) là Ngô Thị Điểu bị giặc Mỹ bắt tra hỏi, hy sinh tháng 8-1970 và Ngô Thị Cúc hy sinh trong lần công tác vào vùng địch hậu năm 1973. Câu chuyện xúc động về 12 liệt sĩ và gia đình Mẹ Thứ – là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của tình mẫu tử và lòng yêu nước sâu sắc. Với sự hy sinh to lớn ấy, ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Nguyễn Thị Thứ.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ năm 1996 (mẹ 92 tuổi)
Khu di tích Mẹ Thứ hiện nay được quy hoạch khang trang, gồm nhà lưu niệm, khu mộ và khuôn viên tưởng niệm. Bên trong căn nhà là những vật dụng đã cũ, góc bàn thờ khói nhang nghi ngút, bức di ảnh trắng đen của từng người con – mỗi một khung ảnh là một nỗi đau lặng thầm. Ngôi nhà tuy giản dị nhưng ấm cúng, gợi lên hình ảnh của một mái ấm đượm tình người, là nơi chứng kiến những đau thương không lời nhưng cũng là biểu tượng bất khuất của tình mẫu tử và lòng yêu nước. Trên bàn thờ trang nghiêm là di ảnh các liệt sĩ – những người con thân yêu của Mẹ, đã ra đi vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bao lần Mẹ lặng lẽ đặt mâm cơm cúng trước bàn thờ, mong các con nơi xa yên lòng vì đất nước đã hòa bình. Những hình ảnh ấy không hiện rõ qua lời kể, nhưng lại hiện lên rất đỗi rõ ràng trong tâm trí mỗi người khi đặt chân đến đây. Đó là sức mạnh của ký ức, của sự hy sinh cao cả đã hóa thành biểu tượng.
Ông Lê Tự Hiệp, cháu nội mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ – Người thờ cúng, đang chia sẻ câu chuyện xúc động về gia đình tại Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Ảnh chụp: Tác giả)
Năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với ngôi nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây không đơn thuần là một nơi lưu giữ kỷ vật ghi dấu nỗi đau của một người mẹ mà còn là minh chứng cho lòng yêu nước bất diệt, sức mạnh tinh thần và sự bền bỉ của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, là nơi để ta biết dừng lại, cúi đầu tri ân, và bước tiếp vững vàng với lòng biết ơn sâu sắc trong tim. Và rằng, biết ơn – không chỉ là lời nói, mà còn là cách sống, là trách nhiệm giữ gìn và tiếp nối những giá trị thiêng liêng mà thế hệ cha ông để lại.
Trong dòng chảy hiện đại, Di tích Nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ nhắc nhở mỗi người Việt Nam về một giai đoạn lịch sử không thể lãng quên – nơi lòng mẹ và lòng dân hòa quyện thành sức mạnh của một dân tộc. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã sưu tầm lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật về Mẹ Việt Nam Anh hùng nhằm tái hiện lại tinh thần yêu nước đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của phụ nữ Việt Nam. Qua những di sản đó thế hệ ngày nay có thêm sự hiểu biết và sự trân trọng lối sống tốt đẹp của ông cha. Đây cũng là niềm tự hào của cả dân tộc bởi một truyền thống cách mạng lâu đời vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.
Ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh Liệt sĩ, một dịp đặc biệt để toàn dân Việt Nam tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây không chỉ là một ngày lễ trong lịch sử dân tộc mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ trong khuôn viên
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 7 năm 2025
Huỳnh Thị Kim Loan
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Nguồn: https://baotangphunu.com/di-tich-lich-su-van-hoa-nha-me-viet-nam-anh-hung-nguyen-thi-thu-noi-luu-dau-tinh-yeu-nuoc-va-su-hy-sinh/
Bình luận (0)