Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-26/4

Tỷ giá trung tâm tăng 65 đồng, chỉ số VN-Index tăng 22,16 điểm so với cuối tuần trước đó hay trong quý I/2025, Kho bạc Nhà nước huy động tổng khối lượng là 110.440 tỷ đồng trái phiếu chính phủ... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 21-26/4

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng28/04/2025

Điểm lại thông tin kinh tế
Điểm lại thông tin kinh tế

Tổng quan

Thị trường trái phiếu chính phủ sôi động trong quý I/2025, dự kiến tiếp tục xu hướng này trong quý II, huy động nguồn vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển.

Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2025, Kho bạc Nhà nước huy động tổng khối lượng là 110.440 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 99,5% so với kế hoạch quý I/2025 Bộ Tài chính giao (111.000 tỷ đồng) và 22,1% kế hoạch năm 2025 (500.000 tỷ đồng). Kỳ hạn trái phiếu chính phủ phát hành từ 5 - 30 năm, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm với tỷ trọng 98,4% tổng khối lượng phát hành ra thị trường. Kỳ hạn phát hành bình quân 3 tháng đầu năm là 10,23 năm, phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của cả danh mục trái phiếu chính phủ ở mức 8,95 năm, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cho ngân sách trung ương.

Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ tăng dần với mức tăng từ 0,06-0,19%/năm, bình quân 3 tháng đầu năm 2025 là 2,91%/năm. Thực tế cho thấy, Kho bạc Nhà nước đã tăng tốc huy động từ phát hành trái phiếu chính phủ, song song với đó là việc đẩy lãi suất chào thầu đi lên để thu hút hoạt động đấu thầu. Động thái này có thể sẽ tiếp diễn trong bối cảnh các điều kiện quốc tế kém thuận lợi, khiến đầu tư công trở thành động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 khi ghi nhận kế hoạch đầu tư phát triển cao kỷ lục lên tới 888 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ trong giai đoạn quý I đạt 69%, cao hơn hẳn so với các quý trước cũng cho thấy sự sôi động trở lại của thị trường sơ cấp. Số liệu cũng cho thấy, nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong tháng 3 khi riêng lượng trái phiếu chính phủ trúng thầu trong tháng này đã chiếm hơn 59% tổng lượng trái phiếu chính phủ trúng thầu trong cả quý I. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ này chủ yếu đến từ Bảo hiểm Xã hội, còn từ phía các tổ chức tín dụng vẫn tương đối yếu.

Cụ thể hơn, tính đến 15/4, danh mục trái phiếu chính phủ của toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ tăng 16.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi đầu tư vào trái phiếu tổ chức tín dụng tăng tới 97.000 tỷ đồng. Có thể thấy xu hướng gia tăng đầu tư trái phiếu tổ chức tín dụng vẫn đang diễn ra mạnh, trái phiếu chính phủ kém được chú ý hơn, đặc biệt là khi lãi suất thị trường tiền tệ vẫn đang ở mức tương đối cao. Nếu điều kiện thị trường tiền tệ được nới lỏng hơn, lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ có thể tạm thời giảm nhẹ trở lại trước khi phải chịu áp lực lớn hơn ở những tháng chạy đua cuối năm.

Kho bạc Nhà nước cũng đã thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ quý II/2025. Cụ thể, tổng khối lượng phát hành dự kiến là 120.000 tỷ đồng, trong đó 18.000 tỷ kỳ hạn 5 năm, 2.000 tỷ kỳ hạn 7 năm, 70.000 tỷ kỳ hạn 10 năm, 25.000 tỷ kỳ hạn 15 năm, 2.000 tỷ kỳ hạn 20 năm và 3.000 tỷ kỳ hạn 30 năm. Tính từ 1-25/4, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 32.300 tỷ/52.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu qua 4 phiên đấu thầu.

Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 21-26/4

Thị trường ngoại tệ tuần từ 21-26/4, tỷ giá trung tâm nhìn chung được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 26/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.963 VND/USD, tăng mạnh 65 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Giá mua USD được niêm yết ở mức 23.765 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán USD được niêm yết mức 26.161 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.

Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 21-26/4 biến động tăng giảm đan xen. Kết thúc phiên 26/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 26.020, tăng tiếp 70 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tuần qua tăng nhẹ. Chốt phiên 26/4, tỷ giá tự do tăng 95 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 26.380 VND/USD và 26.480 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 21-26/4, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống giảm qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 26/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 2,53% (-1,65 điểm phần trăm); 1 tuần 4,23% (-0,13 điểm phần trăm); 2 tuần 4,35% (-0,19 điểm phần trăm); 1 tháng 4,53% (-0,07 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 26/4, lãi suất USD liên ngân hàng giao dịch tại: qua đêm 4,30% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,36% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 4,40% (không thay đổi) và 1 tháng 4,45% (không thay đổi).

Trên thị trường mở tuần từ 21-26/4, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 168.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 7 ngày, 9 ngày, 14 ngày, 16 ngày, 21 ngày, 30 ngày, 35 ngày, 90 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 42.460,33 tỷ đồng trúng thầu; có 62.184,98 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Như vậy, NHNN đã hút ròng 19.724,65 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 90.785,35 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.

Thị trường trái phiếu ngày 23/4, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 8.357 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 67%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 15 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 10 năm huy động được 5.305 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 52 tỷ đồng/ 500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 2,26% (+0,11 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 3,03% (+0,03 điểm phần trăm), 15 năm là 3,10% (+0,02 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,28% (không đổi).

Ngày 29/4, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.500 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 12.995 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tăng nhẹ ở các kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Chốt phiên 25/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,08% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 2,11% (không đổi); 3 năm 2,17% (không đổi); 5 năm 2,41% (+0,02 điểm phần trăm); 7 năm 2,77% (+0,04 điểm phần trăm); 10 năm 3,07% (+0,03 điểm phần trăm); 15 năm 3,22% (+0,02 điểm phần trăm); 30 năm 3,43% (+0,002 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần từ 21-26/4, VN-Index giảm 2 phiên đầu tuần rồi đảo chiều tăng 3 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 25/4, VN-Index đứng ở mức 1.229,23 điểm, tăng 22,16 điểm (+0,83%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,38 điểm (-0,65%) xuống mức 211,72 điểm; UPCoM-Index tăng 0,97 điểm (+1,06%) lên 92,27 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 23.000 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 26.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 960 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Ngày 22/4, IMF công bố báo cáo, trong đó dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,8% trong năm 2025 (-0,5 điểm phần trăm so dự báo tháng 1). Đối với các nước phát triển, Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,8% (-0,9 điểm phần trăm), Eurozone tăng 0,8% (-0,2 điểm phần trăm), Nhật Bản tăng 0,6% (-0,5 điểm phần trăm) và Anh tăng 1,1% (-0,5 điểm phần trăm).

Ở các nước đang phát triển, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,0% (-0,6 điểm phần trăm), Ấn Độ tăng 6,2% (-0,3 điểm phần trăm) và nhóm ASEAN5 (Indonesia, thángalaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan) tăng 4,0% (-0,6 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, IMF dự báo giá trị thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,7% trong năm nay (-1,5 điểm phần trăm) và giá dầu bình quân sẽ giảm khoảng 15,5 USD/thùng so với năm 2024. Chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,3% (+0,1 điểm phần trăm), trong đó các nước phát triển tăng 2,5% và (+0,4 điểm phần trăm) và các nước đang phát triển tăng 5,5% (-0,1 điểm phần trăm).

Theo IMF, trong ngắn hạn, thuế quan sẽ tác động khác nhau đến mỗi quốc gia, tùy thuộc vào các mối quan hệ thương mại, cơ cấu công nghiệp, biện pháp trả đũa và các cơ hội đa dạng hóa thương mại. Tại khu vực Eurozone và Trung Quốc cùng một số quốc gia châu Á khác, các gói hỗ trợ tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ bù đắp phần náo tác động tiêu cực của thuế quan. Mặc dù vậy, nếu lạm phát quay trở lại và kéo dài sẽ khiến các ngân hàng trung ương đổi hướng, các nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.

Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần qua. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ ở mức 50,7 điểm trong tháng 4, tăng lên từ 50,2 điểm của tháng 3, trái với dự báo giảm xuống 49,2 điểm. Mặc dù vậy, PMI dịch vụ tháng 4 giảm xuống 51,4 điểm từ 54,4 điểm của tháng trước, thấp hơn mức 52,8 điểm theo dự báo.

Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ đi ngang trong tháng 3 sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,3%. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền chung tăng 9,2% so với tháng trước trong tháng vừa qua, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,9% của tháng 2 và đồng thời vượt mạnh mức tăng 2,1% theo kỳ vọng.

Tại lĩnh vực bất động sản, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 4,02 triệu căn trong tháng 3, thấp hơn mức 4,27 triệu căn của tháng 2 và đồng thời thấp hơn dự báo đạt 4,14 triệu căn.

Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 19/4 ở mức 222 nghìn đơn, tăng nhẹ từ 216 nghìn đơn của tuần trước đó và khớp với dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 220,5 nghìn đơn, tăng nhẹ 0,75 nghìn so với 4 tuần liền trước.

Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được điều chỉnh lên mức 52,2 điểm trong tháng 4, cao hơn so vớim ức 50,8 điểm theo khảo sát sơ bộ, và đồng thời cao hơn mức 50,6 điểm theo dự báo.

Trong tuần này, thị trường chờ đợi báo cáo chi tiết về kinh tế Mỹ trong quý I, ngoài ra còn có chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tháng 3 cùng báo cáo chi tiết thị trường lao động tháng 4. Các thông tin quan trọng này được công bố ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 6 và 7/5.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-21-264-163449.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm