
Phát triển không gian theo hướng “du lịch sinh thái - làng quê - làng nghề”, khai thác tối đa giá trị bản địa để tạo nên sức hút bền vững, là điều Điện Bàn đang hướng đến.
Hướng mở không gian du lịch
Theo quy hoạch tỉnh, dựa trên đặc điểm phân bố tài nguyên và đặc điểm về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, Quảng Nam sẽ phân bố các loại hình hoạt động du lịch theo 4 không gian chính.
Trong đó, không gian phát triển du lịch các di sản văn hóa - lịch sử có phạm vi thuộc Đông Bắc tỉnh, bao gồm Hội An và các địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, với trung tâm là đô thị du lịch Hội An.
Hội An và vùng phụ cận được định hướng phát triển thế mạnh du lịch văn hóa, bao gồm tham quan các di tích, tham dự các lễ hội, các chương trình nghệ thuật dân tộc, làng nghề, du lịch hội nghị, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng...
Ưu tiên phát triển đảo Cù Lao Chàm thành khu nghỉ dưỡng biển cao cấp. Ven biển Điện Ngọc - Cẩm An và ven sông Cổ Cò phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu giải trí cao cấp, khách sạn từ 3 sao trở lên.
Theo định hướng, Hội An kết nối với các vùng phụ cận hình thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước có sức cạnh tranh quốc tế.
Cạnh đó, Điện Bàn cũng nằm trên tuyến kết nối Hội An với Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn để khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, tham quan di tích, du lịch nghiên cứu văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, di tích lịch sử cách mạng. Du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái.
Các loại hình du lịch chính có thể phát triển ở địa bàn này bao gồm: du lịch di sản; du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; du lịch sinh thái biển đảo; du lịch thể thao biển với nhiều loại hình; du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí; du lịch cuối tuần.
Điện Bàn hiện được xem như một địa điểm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử và làng nghề truyền thống. Nằm giữa Hội An và Đà Nẵng, Điện Bàn giữ vai trò bản lề trong liên kết không gian du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Đại diện Phòng Văn hóa Khoa học và thông tin thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đang tập trung phát triển du lịch theo hướng “du lịch nông nghiệp - làng quê - làng nghề”, khai thác tối đa giá trị bản địa để tạo nên sức hút bền vững.
Đồng bộ không gian
Theo định hướng, tương lai Điện Bàn cùng Hội An và Đà Nẵng sẽ hình thành chuỗi sản phẩm và tuyến điểm liên vùng: từ cầu tàu du thuyền nối Cù Lao Chàm - Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng, đến phân vùng resort 3-4 sao ven biển, khu giải trí ven sông Cổ Cò, phát triển du lịch cộng đồng ven sông Thu Bồn.

Các làng nghề như đúc đồng Phước Kiều, chiếu chẻ Triêm Tây, bánh tráng Phú Chiêm hay du lịch cộng đồng ở các xã vùng Gò Nổi đang từng bước được đầu tư, mang lại trải nghiệm gắn với lịch sử, phong tục, tín ngưỡng của cư dân xứ Quảng.
Dư địa về không gian văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch tại đô thị này còn khá lớn. Theo phương án phát triển tổng thể kinh tế xã hội thị xã Điện Bàn thời kỳ 2021 - 2030, địa phương này chọn phát triển không gian xanh, tạo điểm nhấn và hình thành tọa độ phát triển du lịch kết nối vào chiến lược phát triển du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo đó, khu vực 1 bao gồm không gian du lịch biển Điện Dương - Điện Ngọc đến sông Cổ Cò và lan tỏa về phía tây, gắn với loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Khu vực 2 được xác định ở hai bên sông Vĩnh Điện là không gian công cộng chính gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí văn hóa, kết nối các tour du lịch sinh thái tuyến Cẩm Lệ - Gò Nổi.
Cạnh đó, vùng phát triển du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống Thanh Chiêm - tiểu vùng Gò Nổi, gắn với các hoạt động homestay, du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực, thực hành giáo dục nông nghiệp.
Tương lai khi Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất để hình thành một đô thị cấp vùng hoặc thành phố trực thuộc trung ương mở rộng, các đô thị của Điện Bàn sẽ không chỉ là địa bàn trung gian về mặt địa lý, mà còn trở thành cửa ngõ kết nối chiến lược, nơi giao thoa giữa di sản, đô thị biển và không gian sinh thái - văn hóa đặc thù của miền Trung.
Hiện Điện Bàn có thuận lợi về vị trí khi chỉ cần 30 phút di chuyển đã đến trung tâm Đà Nẵng. Các chuyên gia đô thị nhận định, sau sáp nhập, các rào cản về quy hoạch liên vùng sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện tích hợp hệ thống hạ tầng và kỳ vọng về nâng cấp đầu tư cho các cụm du lịch cộng đồng cũng sẽ được mở ra.
Nếu có chiến lược, các điểm đến của Điện Bàn hiện tại có thể kết nối trực tiếp với thị trường khách quốc tế tại Đà Nẵng và Hội An để cung cấp những trải nghiệm về văn hóa truyền thống, du lịch sinh thái sông nước...
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dien-ban-khong-gian-mo-cua-du-lich-do-thi-3155443.html
Bình luận (0)