Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điệu Lamvong trong Tết Bunpimay ở Trường Đại học Đà Lạt

(LĐ online) - Gần gũi và ấm áp làm vơi đi nỗi nhớ nhà, những món quà sẻ chia và sự giao ước thấm đẫm yêu thương để các bạn sinh viên Lào không còn thấy cách xa trong ngày sum họp... Tết cổ truyền Bunpimay của người Lào tại Trường Đại học Đà Lạt được kết nối, xích lại trong những cái nắm tay thân ái của vũ điệu vòng tròn Lamvong.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng13/04/2025

Các nữ sinh viên Lào đang sinh sống và học tâp tại Trường Đại học Đà Lạt.
Các nữ sinh viên Lào đang học tập tại Trường Đại học Đà Lạt

Bunpimay (Lễ hội năm mới) hay Lễ hội Hotnam (Té nước) là một trong những lễ hội quan trọng nhất, được người dân Lào gìn giữ, tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống đặc sắc từ ngày 13 đến 16/4 dương lịch. Đây cũng là thời kỳ nóng nhất trong năm, Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

Cũng trong những ngày này, 9 năm qua, việc tổ chức Tết Bunpimay cho các bạn sinh viên người Lào đã trở thành một hoạt động thường niên, mang nhiều ý nghĩa đặc biệt của Trường Đại học Đà Lạt.

Các sĩ quan Lào và Campuchia cũng có mặt trong buổi lễ do Trường Đại học Đà Lạt tổ chức.
Các sĩ quan Lào và Campuchia cũng có mặt trong buổi lễ do Trường Đại học Đà Lạt tổ chức

Thầy Trần Thống - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt khẳng định: “Chúng tôi luôn xem các lưu học sinh Lào là thành viên quan trọng trong mái nhà chung mang tên Trường Đại học Đà Lạt. Nơi không chỉ đào tạo kiến thức mà còn chăm lo đời sống, tinh thần và vun đắp tình hữu nghị, giao lưu văn hóa, tri thức giữa các thế hệ sinh viên hai nước.

“Dù xa quê hương, xa gia đình, nhưng chúng tôi luôn mong muốn các em cảm nhận được tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc và không khí ấm áp như ở chính quê nhà. Nhà trường luôn coi các em là một phần trong đại gia đình Trường Đại học Đà Lạt và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, rèn luyện và trưởng thành”, thay lời Ban Giám hiệu, Phó Hiệu trưởng Trần Thống chắc chắn về điều này.

Trường Đại học Đà Lạt tặng quà cho các lưu học sinh Lào

Ngập tràn trong niềm vui, Sisahad Mayoulath - Cô sinh viên năm ba người Lào chia sẻ: “Tết Nguyên đán Việt Nam và Tết Bunpimay của Lào tuy khác nhau về thời điểm, phong tục, song giống nhau về không khí nhộn nhịp, hào hứng chờ đón năm mới tràn ngập niềm vui. Người Việt Nam và người Lào dù làm bất cứ nghề gì, ở đâu đều mong được trở về sum họp gia đình trong những ngày Tết. Vui sướng, hạnh phúc, xúc động là cảm xúc của em ngay lúc này. Dù không được về Lào, nhưng em và các bạn vẫn được đón Tết cổ truyền Bunpimay của dân tộc, điều này làm em cảm thấy rất vui mừng và đỡ nhớ quê hương, nhớ ba mẹ hơn”.

Trường Đại học Đà Lạt, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Lâm Đồng tặng quà cho các lưu học sinh Lào.
Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Lâm Đồng tặng quà cho các lưu học sinh Lào

Cũng theo Sisahad Mayoulath: Năm nay là năm thứ 9 lưu học sinh Lào có mặt tại Trường Đại học Đà Lạt và cũng là năm thứ 9 các lưu học sinh Lào được đón Tết BunPimay trong bầu không khí vui vẻ, đoàn kết, thắm tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em.

"Tất cả chúng em luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai, Trường Đại học Đà Lạt đã là gia đình của cộng đồng lưu học sinh Lào" - Sisahad Mayoulath chia sẻ.

Lãnh đạo Ban TG&DV tặng quà cho các gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tặng quà cho các gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào

Có một hoạt động luôn được đón chờ tại ngày Tết Bunpimay hàng năm tại Trường Đại học Đà Lạt đó là nghi thức gia đình bố mẹ ngươi Việt nhận đỡ đầu sinh viên Lào. Năm nay cũng không phải ngoại lệ, các bạn sinh viên mới năm học 2024 - 2025 đều được các gia đình ngươi Việt, đang sinh sống tại Đà Lạt nhận đỡ đầu.

Đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự gắn bó, hỗ trợ lâu dài cả về vật chất lẫn tinh thần dành cho các em sinh viên Lào.

Keochampa Bounleuth (còn có tên tiếng Việt là Quang) người được gia đinh ông Hà Hữu Nết nhận đỡ đầu.
Keochampa Bounleuth (còn có tên tiếng Việt là Quang) người được gia đình ông Hà Hữu Nết nhận đỡ đầu

Keochampa Bounleuth (còn có tên tiếng Việt là Quang) - Nam sinh viên người Lào vừa sang Việt Nam được 4 tháng tâm tình: Khi sống và học tập nơi đất khách, có lúc chúng em cảm thấy nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ tiếng nói và phong tục quê hương. Nhưng chính tình cảm nồng ấm, sự sẻ chia chân thành và nghĩa tình của các cô chú, anh chị người Việt Nam đã giúp chúng em vơi bớt nỗi nhớ ấy, cảm thấy gần gũi như đang ở quê nhà. Từ hôm nay, chúng em không chỉ có thêm những người thầy, người bạn mà còn có thêm những người cha, người mẹ, luôn dõi theo và sẵn sàng chia sẻ cùng chúng em những khó khăn, niềm vui trong cuộc sống.

Ông Hà Hữu Nết, người nhận đỡ đầu Keochampa Bounleuth, bày tỏ niềm vui khi được xem Quang như một người con trong gia đình. Ông Nết hy vọng Quang sẽ có được niềm vui trọn vẹn trong quãng thời gian sinh sống và học tập tại Việt Nam. Ông cho rằng, đây la cách tốt nhất để người dân Đà Lạt - Lâm Đồng thể hiện lòng hiếu khách, sự thân thiện và hơn tất cả đó là tính cảm thân thiết, quý mến đặc biệt của người Việt Nam dành cho nhân dân Lào anh em.

Các bạn sinh viên Lào làm Lễ buộc chỉ cổ tay.
Các bạn sinh viên Lào làm Lễ buộc chỉ cổ tay

Giữa sân khấu của hội trường thư viện, các lưu học sinh Lào cũng tiến hành tổ chức Lễ buộc chỉ cổ tay (còn gọi là Lễ Sou khoẳn) cho các thầy cô giáo, các đại biểu và quý khách tham dự. Đây là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời và không thể thiếu vào dịp năm mới, với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

Làm Lễ buộc chỉ cổ tay cho các đại biểu tham dự Lễ Bunpimay.
Làm Lễ buộc chỉ cổ tay cho các đại biểu tham dự Tết Bunpimay

Họ buộc những sợi chỉ màu và gửi lời chúc hạnh phúc và sức khỏe đến người được buộc. Tục lệ này tuy đơn giản nhưng phản ánh sâu sắc tính cách hiền hòa của người dân Lào. Họ không bao giờ cầu cho mình mà chỉ cầu cho người khác. Bởi theo họ, khi làm điều gì tốt lành cho người khác, thì điều tốt lành ấy cũng sẽ đến với mình. Trong suốt ngày Tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay thì được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm. 

.
Điệu múa Lamvong của sinh viên Trường Đại học Đà Lạt mừng Tết Bunpimay năm 2024

Buổi lễ diễn ra và khép lại trong tiếng nhạc của điệu múa Lamvong. Đây là môn nghệ thuật được kế thừa từ thời xa xưa, có nguồn gốc từ trong cuộc sống, sự lao động, tín ngưỡng và từ nhiều nghi lễ khác nhau của nhân dân các dân tộc Lào. Và điệu múa này cũng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Điệu múa Lamvong không chỉ phản ánh cuộc sống, tinh thần đoàn kết nhất trí một lòng của người dân Lào mà còn là văn hóa tươi vui, thể hiện sự biết ơn vùng đất mà người dân Lào đang sinh sống. Qua thời gian, múa Lamvong chuyển thành một loại hình nghệ thuật tao nhã và cách điệu, hiện là một phần không thể thiếu trong văn hóa Lào.

Vũ điệu vòng tròn, ngược chiều kim đồng hồ như muốn khẳng định giá trị bất biến của thời gian, của lịch sử, của hiện tại và cả tương lai về mối quan hệ hữu nghị bền chặt của hai đất nước Việt - Lào. Ở đó, cũng là kỷ niệm ắp đầy sự đẹp đẽ được lưu giữ mãi mãi trong kí ức của các bạn lưu học sinh Lào trong những ngày ở thành phố trên cao này.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/dieu-lamvong-trong-tet-bunpimay-o-truong-dai-hoc-da-lat-e4266c7/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm