Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, đình Đồng Thạnh trước đây có tên chữ Hán là Đồng Sơn Đình, còn dân gian gọi là đình Rạch Lá (do đình nằm cạnh con rạch có tên Rạch Lá). Đến tháng 4-1979, do thay đổi địa giới hành chính, đình có tên gọi là đình Đồng Thạnh cho đến nay.
Đình Đồng Thạnh được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ XIX, trong bối cảnh cư dân vùng Nam bộ đang dần ổn định cuộc sống trên vùng đất mới.
Thuở ban đầu, đình chỉ là một kiến trúc đơn sơ, được dựng bằng tre lá; tuy mộc mạc, nhưng đây đã là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng, nơi người dân gửi gắm lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân khai hoang, lập ấp.
Năm 2012, UBND xã Đồng Thạnh làm Lễ đón nhận Bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Đồng Thạnh. |
Bước sang đầu thế kỷ XX, trước làn sóng văn hóa phương Tây lan rộng vào Nam kỳ, người dân địa phương đã có những phản ứng mạnh mẽ nhằm bảo tồn, khẳng định bản sắc dân tộc. Với tinh thần đó, đình Đồng Thạnh được người dân đóng góp công sức, tiền của để tiến hành trùng tu, tái thiết. Công trình được khởi công cải tạo và xây dựng lại với quy mô lớn và đến năm 1914 thì hoàn thành.
Sau trùng tu, đình mang diện mạo khang trang, bề thế, với kiến trúc độc đáo kết hợp giữa phong cách phương Đông - Tây. Sự giao thoa này không làm mất đi bản sắc mà ngược lại càng tôn lên nét đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam bộ, phản ánh tinh thần dung hòa, sáng tạo của người dân địa phương trong việc tiếp biến văn hóa.
Đình Đồng Thạnh được xây dựng trên nền cao 80 cm, cẩn đá xanh hình da qui, nền lót gạch Tàu, vách tường, cột làm bằng gỗ căm xe và gạch, mái lợp ngói ống và ngói âm dương. Vì được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp nên ngoài cửa chính còn có nhiều ô cửa thiết kế theo kiểu hình vòm, trang trí nhiều hoa văn Tây, cửa sắt tương tự những ngôi nhà phú hộ ở vùng này đầu thế kỷ XX.
Được biết, vào đầu thế kỷ thứ XX, 2 ông Huỳnh Chung và Huỳnh Đình Khiêm là những điền chủ giàu có trong vùng đã đóng góp 60 ha ruộng và huy động tiền của nhân dân trong vùng xây dựng lại ngôi đình to lớn bằng cột căm xe, bao gồm vỏ ca, chánh điện và nhà khách, kéo dài từ năm 1900 đến 1914 mới hoàn thành. Theo các vị cao niên trong vùng, đình Đồng Thạnh thờ Đại Càn tứ vị Nương vương (thờ bốn vị thần phù hộ người đi biển) và thờ Thần Nông. Ngoài ra, nhân dân còn thờ những người có nhiều công đức trong làng, xã. |
Nét đặc sắc nhất của ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn, tranh đắp nổi trên tường, tượng gốm.... cả ở bên ngoài và bên trong đình.
Với đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã bố cục và thể hiện hài hòa các đề tài truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam với những đường nét tinh tế, uyển chuyển rất sôi động, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương, bằng những đề tài mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc, hàm chứa ước mơ thịnh vượng, tốt lành muôn đời của con người.
Khác với các ngôi đình khác ở tỉnh ta, đình Đồng Thạnh có kết hợp văn hóa Phật giáo; các bờ mái đều trang trí rồng lượn và hoa văn dây lá sống động, cuối mái ngói ở đầu giọt nước trang trí hình lá đề, bên trong có hoa sen, hoa cúc bằng ngói men xanh. Tương tự như thế, trên cánh én ở hai đầu hồi nhà võ ca trang trí tứ linh, tứ quý, bát tiên, cá hóa long và các loại cây trái thường thấy ở địa phương như: Mãng cầu ta, khế, khổ qua...
Bên trong võ ca, kèo, xiên, trính đều được chạm trổ công phu, tỉ mỉ 3 mặt với các đề tài hoa lá, chim thú và các điển tích xưa. Trên tường bao bọc xung quanh võ ca đều được trang trí các bức tranh sơn thủy đắp nổi bằng hợp chất ô dước, mô tả cảnh sinh hoạt trên đường phố và cảnh tàu thuyền ra vào cửa sông tấp nập. Đây là sự mới lạ làm nên nét đặc sắc của đình khi đời sống văn hóa đương đại của người xưa được “thổi hồn” vào trong nghệ thuật kiến trúc của đình.
Trong giai đoạn chiến tranh, nhất là giai đoạn 1960 - 1963, thời kỳ cao điểm của phong trào Đồng Khởi ở miền Nam. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, đình đã phải gánh chịu nhiều tổn thất, đã bị đốt phá, khiến phần chánh điện của đình bị thiêu rụi, bao gồm cả vách gỗ và mái ngói - những phần quan trọng và giá trị nhất về mặt kiến trúc.
Đến năm 1970, nhân dân địa phương cùng với hội đình lúc bấy giờ đã cùng nhau đứng ra quyên góp tiền của, công sức để phục dựng lại chánh điện. Công trình sau trùng tu vẫn giữ được dáng vẻ trang nghiêm vốn có, phản ánh rõ nét sự trân quý di sản văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây; đồng thời, thể hiện tinh thần vượt khó và gắn bó của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ giá trị truyền thống giữa thời loạn lạc.
Năm 2012, UBND xã Đồng Thạnh làm Lễ đón nhận Bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Đồng Thạnh. |
Hằng năm, vào các ngày 16, 17-3 và 16-11 âm lịch, đình Đồng Thạnh tổ chức lệ cúng đình. Vào những dịp này, không khí tại đình trở nên đông đúc, nhộn nhịp, thể hiện rõ nét tinh thần kết nối cộng đồng và lòng thành kính của người dân đối với các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai phá và bảo vệ vùng đất.
Các nghi thức cúng tế được tổ chức trang trọng, theo đúng phong tục truyền thống của vùng đất Nam bộ, kết hợp với các hoạt động văn nghệ dân gian, tạo nên một không gian lễ hội vừa linh thiêng vừa gần gũi, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương.
Với bề dày lịch sử, giá trị kiến trúc độc đáo và vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa - tâm linh của cộng đồng, đình Đồng Thạnh được nhìn nhận như một di sản văn hóa quý báu của vùng đất Nam bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Vì thế, việc tôn tạo ngôi đình và phát huy giá trị di sản văn hóa cần có sự quan tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền, ngành Văn hóa, cũng như sự chung tay của người dân địa phương. Bởi lẽ, gìn giữ đình Đồng Thạnh không chỉ là bảo tồn một công trình kiến trúc, mà còn là gìn giữ ký ức lịch sử, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Với những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa, vào năm 2000, đình Đồng Thạnh đã được UBND tỉnh Tiền Giang xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật. Đến năm 2009, đình Đồng Thạnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
HẢI ĐĂNG
Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/dinh-dong-thanh-noi-luu-giu-tinh-hoa-kien-truc-nam-bo-1046877/
Bình luận (0)