Kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo luôn được doanh nghiệp startup chú trọng |
Khơi nguồn đam mê
Năm 2023, chị Hoàng Thị Cẩm Nhung mang về giải Nhất từ Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh (nay là thành phố Huế) với dự án "Ngũ cốc Mộc An - Hành trình phát triển bền vững". Chị Nhung là người sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp xanh Mộc An tiếp tục mục tiêu đem đến cho người dùng, nhất là những bà mẹ, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già... sản phẩm bột, bánh ngũ cốc bổ dưỡng, an toàn, chất lượng từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
Ngoài nhóm khách hàng truyền thống và thị trường nhỏ hẹp ở Huế, sản phẩm ngũ cốc Mộc An dần vươn ra các thị trường lớn, cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng ở các độ tuổi, thể trạng sức khỏe khác nhau. Để phát triển thị trường, ngoài chú trọng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn, Mộc An còn đầu tư máy móc, công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng, đa dạng các dòng sản phẩm; cải tiến mẫu mã, bao bì, đáp ứng nhu cầu "xanh", "an toàn", "bổ dưỡng" của khách hàng.
Dự án khởi nghiệp "Bánh ép Thuận An - Pizza giòn chinh phục thế giới" đoạt giải Nhất tại Cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021, được anh Ngô Đức Vương, người sáng lập Bánh ép Huế - Hue One Food chọn kế thừa tinh hoa ẩm thực truyền thống của người dân Huế để nâng tầm bánh ép Huế theo con đường chuẩn hóa quy trình, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hàng loạt và xuất khẩu. Khởi nghiệp sáng tạo của Bánh ép Huế là tạo ra một sản phẩm chất lượng mới, thiết kế mới mang tính tiện dụng, thiết thực, thẩm mỹ... nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống đặc trưng.
Nhắc đến doanh nghiệp startup ở Huế đang "xoay chuyển" tốt và có khả năng tiến xa, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố kể tên một số điển hình như: Bánh ép Huế - Hue One Food, Maypaperflower - hoa giấy thủ công Huế, Hoa Nén, YesHue, sâm Bố Chính Hoàng Gia, Myy Nature, tinh dầu Bạch Mã Herbals... "Sở dĩ các doanh nghiệp startup này đang "chạy" tốt là nhờ có founder (người sáng lập) tâm huyết, không ngừng tìm tòi, học hỏi, tự huấn luyện đào tạo nhân lực và chịu khó tìm kiếm nhà đầu tư, thị trường", ông Cường chia sẻ.
Gỡ rào cản, đón cơ hội
Sống xanh, tiêu dùng lành mạnh, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ thông minh... đang là xu hướng phát triển của xã hội hiện nay. Nhận diện được nhu cầu này của người tiêu dùng và thị trường, nhiều cá nhân, tổ chức ở Huế đã tập trung khởi nghiệp sáng tạo vào một số lĩnh vực: Chế biến nông sản an toàn, dược liệu, hàng lưu niệm, mỹ nghệ thân thiện môi trường, ẩm thực truyền thống, công nghệ số, du lịch xanh, chuyển đổi xanh...
Từ năm 2016 đến nay, hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST ở Huế luôn được quan tâm đầu tư và dần đi vào thực chất, gặt hái được nhiều kết quả. Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của cá nhân, tổ chức, đơn vị giành được kết quả cao tại các sân chơi lớn về KNĐMST cấp khu vực và cả nước, tiêu biểu như: Cỏ bàng Marie's đoạt giải Ba Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp quốc gia năm 2021; Đậu phộng tỏi ớt Huenuts vào top 10 Cuộc thi KNĐMST quốc gia năm 2022; "Yến Cung đình Huế, mang hảo vị hoàng gia đến với mọi nhà" vào top 20 dự án xuất sắc của Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp quốc gia năm 2023 và giải thưởng top 100 Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023; "Hue cooking food - Sáng tạo nâng tầm đặc sản Huế" vào top 20 Cuộc thi KNĐMST quốc gia năm 2024...
Là đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Huế, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Huế (Hue Innovation Hub) luôn đồng hành thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động KNĐMST trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều chương trình truyền cảm hứng, các khóa học, workshop, bootcamp (chương trình đào tạo) về tư duy sáng tạo, thiết kế mô hình kinh doanh, marketing, kêu gọi vốn... theo chủ đề, lĩnh vực cụ thể.
Hue Innovation Hub còn là nơi ươm tạo, hỗ trợ không gian làm việc chung cho các startup, tổ chức khu trưng bày sản phẩm, phòng ghi hình và kết nối với các quỹ đầu tư, nhà cố vấn, doanh nghiệp lớn... giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường và mở rộng kênh phân phối.
Với vai trò là Giám đốc Hue Innovation Hub, ông Cung Trọng Cường cho rằng, bên cạnh sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tốt, chất lượng tốt, điều quan trọng nhất chính là cần có thị trường tiêu thụ và mức tiêu thụ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên ở Huế, đội ngũ để làm được việc này chưa mạnh và thiếu chuyên nghiệp. Hơn nữa, hệ sinh thái khởi nghiệp của Huế vẫn còn yếu về thị trường, yếu về các chương trình hỗ trợ và chưa đáp ứng đúng mục tiêu, lĩnh vực cần hỗ trợ để phát huy thế mạnh. Thậm chí, dù có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng vẫn thiếu khả thi, chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp...
Theo các nhà chuyên môn, ngoài xây dựng cho mình một đội ngũ mạnh, chuyên nghiệp, biết định hướng thị trường, kết nối thị trường, startup cần nhắm đến các môi trường, lĩnh vực thế mạnh của Huế để khởi nghiệp sáng tạo, như: Công nghệ kết hợp y tế, công nghệ kết hợp du lịch, du lịch kết hợp sức khỏe, thủ công truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại, dịch vụ du lịch, ẩm thực, sản phẩm xanh bền vững... và nên tạo ra chuỗi liên kết, hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo phát triển, lớn mạnh.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/khoi-nghiep/diu-dat-startup-lon-manh-153325.html
Bình luận (0)