Có thể nói Vũ Thị Hương vẫn là chân chạy cự ly ngắn được đánh giá hay nhất từ trước đến nay của điền kinh VN. Giải nghệ đã lâu nhưng thành tích kỷ lục quốc gia ở cự ly 100 m với thông số 11 giây 33 của cô vẫn chưa bị xô đổ.
Tiếp nối thành công của đàn chị ở cự ly ngắn được xem là hấp dẫn nhất môn điền kinh, Lê Tú Chinh trình làng ở đấu trường SEA Games 2017 và để lại ấn tượng với cú đúp HCV 100 m, 200 m. Đến năm 2019, chân chạy TP.HCM bảo vệ thành công danh hiệu nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á khi về nhất ở cự ly 100 m. Tuy nhiên cô chưa tạo được sự đột phá thành tích và chững lại sau khi gặp chấn thương.
Hai năm trở lại đây, điền kinh VN xuất hiện chân chạy sinh năm 2005 đầy tiềm năng Trần Thị Nhi Yến. Chỉ trong thời gian ngắn, cô đã đạt thông số thành tích tốt hơn so với Tú Chinh. Lần đầu xuất hiện ở SEA Games 32 (năm 2023), Nhi Yến đoạt HCB cự ly 200 m, HCĐ nội dung 100 m. Cô được kỳ vọng tiếp bước thành công của các đàn chị Vũ Thị Hương, Lê Tú Chinh giúp điền kinh VN giữ vị thế hàng đầu ở cự ly tốc độ.
Trần Thị Nhi Yến (phải) nỗ lực tiếp bước các đàn chị
ẢNH: GIA KHANG
Tại giải điền kinh Cúp tốc độ Thống nhất diễn ra ngày 16 - 17.4 trên Sân vận động Q.8 (TP.HCM), Nhi Yến đoạt HCV cự ly 100 m và HCB cự ly 200 m. Cô vừa trở lại sau chấn thương nên chưa có được thông số thành tích tốt. Tuy nhiên theo các HLV, nếu không có sự đầu tư đúng mức, Nhi Yến nguy cơ chững lại bởi thành tích đầu mùa ở cự ly 100 m chỉ đạt thông số 11 giây 81 (vòng loại), 11 giây 85 (chung kết) là chưa ổn. Càng lo hơn khi ở cự ly ngắn ngoài Nhi Yến thì các gương mặt còn lại như Hà Thị Thu, Phùng Thị Huệ cũng có thông số thành tích thấp dưới ngưỡng.
Điền kinh VN chưa thể bứt phá, vì sao?
Trao đổi hôm qua 17.4, ông Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh VN, cho biết: "Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng của điền kinh VN lúc này là quá thiếu cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn để tập luyện, thi đấu. Các sân tập điền kinh từ Mỹ Đình, Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trung tâm HLTTQG TP.HCM, sân Thống Nhất… xuống cấp, hư hỏng. Thực trạng này cũng xảy ra ở hầu hết các địa phương. Vì thế làm sao có được kết quả đào tạo tốt khi yếu tố cơ bản là cơ sở vật chất không đảm bảo. Chưa kể nhiều nơi trang thiết bị tập luyện xuống cấp nhưng không được mua mới, sửa chữa. Việc số hóa trong quản lý, huấn luyện điền kinh thời đại công nghệ nhưng cũng mới chỉ trên giấy".
Một trong những lý do khiến điền kinh VN khó tìm kiếm các tài năng ở cự ly ngắn bởi hiện nay có quá ít giải đấu dành cho nhóm VĐV ở cự ly này. "Tại VN, VĐV điền kinh ở nhóm cự ly trung bình, cự ly dài ngoài các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia thì gần như hằng tháng đều có giải đấu mở rộng tại các tỉnh thành để tham gia. Trong khi đó, đặc thù của nhóm cự ly ngắn là thi đấu trong sân, hiện có rất ít giải trong năm. Rất may ngoài giải vô địch quốc gia, giải tiếp sức quốc gia thì TP.HCM còn có giải điền kinh Cúp tốc độ Thống nhất. Đây là cơ hội quý cho các VĐV cự ly ngắn tranh tài, cọ xát, kiểm tra thành tích", ông Dương Đức Thủy nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/do-mat-tim-nu-hoang-toc-do-dien-kinh-viet-nam-185250417194623254.htm
Bình luận (0)