Nhìn từ ngành nhựa và hoá chất
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dù ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao, tuy nhiên vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo. Đặc biệt, ngành nhựa vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Dù nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước ngày càng đa dạng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp công nghiệp vẫn phải nhập khẩu. Ảnh: TT |
Cụ thể, 70% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 1 triệu tấn. Đặc biệt, thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh và công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển. Doanh nghiệp không tự chủ được nguyên liệu đầu vào; chi phí cho nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.
Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho thấy, năm 2024 ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu 8,5 triệu tấn hạt nhựa nguyên sinh và tái chế, lượng nhựa phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đạt trung bình 0,5 triệu tấn/năm. Các mặt hàng nhựa PP có kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, còn nhập khẩu các mặt hàng nhựa PE đạt 2 tỷ USD.
Đáng chú ý, quý I/2025, cả nước đã nhập khẩu 2,28 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu (hay còn gọi là nhựa hoặc polymer) với trị giá 3,02 tỷ USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 20,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.
VPA cho biết, ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc đến 70% từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập từ các quốc gia trên thế giới như: Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam, chiếm 29,2% thị phần.
Một hạn chế khác được Bộ Công Thương đề cập tới là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số 2.000 doanh nghiệp nhựa) thường ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại nên các sản phẩm nhựa Việt Nam hầu hết nằm ở phân khúc tầm thấp. Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn chịu đầu tư chuyên sâu và có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường không lớn, đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng.
Không riêng gì ngành nhựa, đối với ngành hoá chất vẫn phải nhập muối công nghiệp chủ yếu vì sản lượng và chất lượng muối sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hóa chất. Muối công nghiệp đòi hỏi độ tinh khiết cao, hàm lượng Natri clorua (NaCl) đạt 98% trở lên, và hàm lượng các tạp chất thấp. Trong khi đó, sản xuất muối truyền thống ở Việt Nam chủ yếu là thủ công, năng suất thấp, và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp.
Đại diện một công ty sản xuất hóa chất cho biết, muối trong nước chủ yếu là muối ăn, trong khi doanh nghiệp nhập muối công nghiệp được tinh chế từ muối thô để làm nguyên liệu chính sản xuất hóa chất cơ bản như xút, sô đa… phục vụ ngành y tế, công nghiệp hóa chất. Ngành muối trong nước sản xuất thủ công, chất lượng thấp nên cung cấp không đủ nhu cầu muối công nghiệp cho các doanh nghiệp hóa chất.
Chủ động ứng phó
Trên thực tế câu chuyện về việc thiếu nguồn nguyên liệu đối với những ngành hàng sản xuất chủ lực cho thấy việc tự chủ nguyên liệu sản xuất trong nước vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Đối với ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch VPA cho biết, nhựa là ngành công nghiệp mũi nhọn được đánh giá còn nhiều tiềm năng và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. VPA đề xuất các cơ quan chức năng nên tạo cơ hội, tăng năng lực đầu tư vào các công ty, dự án sản xuất nguyên phụ liệu ngành nhựa. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhựa cũng nên chú trọng tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. “Các doanh nghiệp nhựa trong nước cần phải từng bước mở rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Đây được coi là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp ngành nhựa khẳng định lợi thế của mình”- Chủ tịch VPA nêu giải pháp.
Đối với sản phẩm muối công nghiệp, theo Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cần có chính sách xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để sản xuất giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao tại Việt Nam.
Về phía Cục Công nghiệp cho rằng, đơn vị sản xuất cần bám sát diễn biến, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên, phụ liệu cho các nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...
Trong dài hạn, Bộ Công Thương cũng định hướng, cần phải có giải pháp lâu dài để phát triển một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.
Ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường ở chiều nhập và xuất khẩu, tận dụng có hiệu quả những lợi thế, cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Về lâu dài, ngành công nghiệp cần tăng tính tự chủ nguyên, vật liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. |
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-lo-i-gia-i-nao-cho-bai-toan-nguyen-lieu-389034.html
Bình luận (0)